Tổng Bí thư: Xây dựng pháp luật phải từ lợi ích toàn cục của đất nước

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; dứt khoát từ bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'.

Thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia. Do đó, để đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ, chúng ta dứt khoát nói không với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi.

Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” vào ngày 4-5.

Tư duy xây dựng pháp luật còn thiên về quản lý

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá Việt Nam đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó phải kể tới các bản Hiến pháp, các luật, bộ luật lớn về dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính, hình sự, tố tụng, giải quyết tranh chấp và khoảng 300 luật, bộ luật khác đang còn hiệu lực.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư.

 Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Ảnh: THUẬN VĂN

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Ảnh: THUẬN VĂN

Phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà, “nhiều khúc quanh”; chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, những vấn đề mới, các động lực tăng trưởng mới còn chậm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi.

Để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển.

Nhiều quyết sách chiến lược quan trọng

Ngày 30-4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66 về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” - một nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng với nhiều quyết sách chiến lược.

Nghị quyết đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, vừa tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, vừa mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Trước mắt, năm 2025, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định của pháp luật. Đến năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền ba cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN.

“Đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân” - Tổng Bí thư nêu rõ.

 Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ảnh: QH

Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ảnh: QH

Nêu cao vai trò của người đứng đầu

Để đưa Nghị quyết 66 vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý.

Cùng với đó là phải đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.

“Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - ông nêu rõ và nhấn mạnh việc phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Bên cạnh một số bộ luật, luật quy định về quyền con người, quyền công dân, tố tụng tư pháp cần cụ thể, về cơ bản các luật khác, nhất là luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Với những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động, Tổng Bí thư yêu cầu giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Trong thời gian trước mắt, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tập trung xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Pháp luật phải bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng; sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Ảnh: THUẬN VĂN

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Ảnh: THUẬN VĂN

Đột phá trong thi hành pháp luật

Bên cạnh đó, pháp luật về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần được tập trung xây dựng. Một số văn bản pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn.

Một nhiệm vụ nữa, ông yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải tạo đột phá. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy cao độ tinh thần phục vụ nhân dân, tư duy kiến tạo phát triển, hành động vì lợi ích chung.

Các cơ quan liên quan tăng cường đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương.

“Thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế kịp thời nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ, tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật” - theo Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định với bản lĩnh cùng kinh nghiệm quý và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân, nhất định Việt Nam sẽ thành công trong đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, phát triển.

Lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật

Các cơ quan, tổ chức Việt Nam cần nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế; tham gia hiệu quả vào việc xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, định hình trật tự pháp lý quốc tế. Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược tăng cường sự hiện diện của các chuyên gia Việt Nam trong các tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế.

Đồng thời, thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật.

Triển khai ngay Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

NGUYỄN THẢO - ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-bi-thu-xay-dung-phap-luat-phai-tu-loi-ich-toan-cuc-cua-dat-nuoc-post847915.html