Tổng công suất nguồn điện quốc gia đến năm 2030 sẽ giảm 35.000MW so với đề xuất của Bộ Công Thương

Dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án Bộ Công Thương trình vào tháng 3/2021.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII để họp Hội đồng thẩm định trước ngày 25/4/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII để họp Hội đồng thẩm định trước ngày 25/4/2022.

Theo đó, việc giảm tổng công suất nguồn điện thể hiện rõ sự hợp lý hơn, ưu việt hơn so với phương án Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2021, trong đó, dự kiến tổng công suất nguồn điện giảm khoảng 35.000 MW, khối lượng đường dây 500kV, 220kV giảm khoảng 2.000 km; qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các địa phương tại Hội nghị để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục thẩm định và trình duyệt.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công Thương phải tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ các kết luận chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 31/3/2022 của Văn phòng Chính phủ, trong đó cần làm rõ các tiêu chí xác định các dự án quan trọng, ưu tiên từng thời kỳ để bố trí không gian phát triển các vùng, miền, địa phương, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời, rà soát đồng bộ quy hoạch nguồn và lưới điện truyền tải; xác định danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên phát triển từng thời kỳ, nhất là giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 theo đúng các tiêu chí đề ra trong quy hoạch; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp điều hành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia cụ thể của một số địa phương về các tồn tại, vướng mắc, bất hợp lý về đầu tư phát triển điện lực thời gian qua để chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan, bảo đảm phát triển ngành điện bền vững, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

"Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII theo quy định và triển khai thủ tục để họp Hội đồng thẩm định trước ngày 25/4/2022", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, Quy hoạch điện VIII cần phải giải quyết vấn đề quan trọng là sắp xếp lại ngành điện, thực hiện các Nghị quyết mà Bộ Chính trị, Trung ương đã đề ra về thực thi thị trường hóa ngành điện. Quy hoạch điện VIII không chỉ là giải quyết những vấn đề tồn tại ở các địa phương mà vấn đề quan trọng nhất là vì lợi ích phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Ngành điện phải đi trước một bước, tạo hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh lưu ý Quy hoạch phải tính tới nhu cầu tiêu dùng điện, tránh việc phải phụ thuộc nhập khẩu khi nhu cầu tăng mạnh. Mặt khác, Quy hoạch cũng phải khai thác được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. "Tại sao năng lượng tái tạo mới phát triển một chút thì đã dẫn tới quá tải lưới điện?", ông Thịnh đặt vấn đề.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tong-cong-suat-nguon-dien-quoc-gia-den-nam-2030-se-giam-35-000mw-so-voi-de-xuat-cua-bo-cong-thuong-1084895.html