Tổng công ty 36 với 'gánh nặng' tài chính 2 dự án BOT
Thời gian vừa qua, hoạt động đầu tư, kinh doanh của Tổng công ty 36 gặp nhiều khó khăn xuất phát một phần từ 'gánh nặng' tài chính của 2 dự án BOT mà doanh nghiệp này tham gia kém hiệu quả.
Thời gian vừa qua, hoạt động đầu tư, kinh doanh của Tổng công ty 36 gặp nhiều khó khăn xuất phát một phần từ "gánh nặng" tài chính của 2 dự án BOT mà doanh nghiệp này tham gia kém hiệu quả. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của cổ đông.
Cụ thể, Tổng công ty 36 chỉ hoàn thành 52% mục tiêu doanh thu và 37,7% mục tiêu lợi nhuận năm 2019. Lý do, theo Ban lãnh đạo Tổng công ty 36, là do giá trị sản lượng các công trình chuyển tiếp sang năm 2019 thấp, một số công trình lớn đang trong giai đoạn quyết toán với chủ đầu tư, các hợp đồng ký mới ở giai đoạn thi công ban đầu nên doanh thu bán hàng giảm. Đồng thời, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Công ty TNHH BOT 36.71 (lỗ kế hoạch- là lỗ theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT, khoản lỗ này sẽ được bù đắp bằng tiền thu phí trong tương lai). Đây là doanh nghiệp dự án của dự án BOT Quốc lộ 19. Tương tự, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình mà Tổng công ty 36 tham gia góp vốn cũng đang gặp khó khăn về tài chính khi dòng tiền thu về so với phương án tài chính bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Đại diện Tổng công ty 36 chia sẻ, dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và đường Hòa Lạc - Hòa Bình (dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình) có quy mô vốn đầu tư 2.733 tỷ đồng, được đưa vào khai thác từ tháng 10/2018, thu phí hoàn vốn từ ngày 3/5/2019 do Tổng công ty 36 góp vốn cùng 2 nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội.
Tại dự án này do mức phí đang bị áp cố định, không được tăng phí theo lộ trình (tăng 18%/3 năm) và chênh lệch lãi suất cho phần vốn vay thương mại đang gây khó khăn đối với các nhà đầu tư.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, đến thời điểm 30/6/2020, tổng số tiền mà công ty vay ngân hàng gần 1.157 tỷ đồng, tiền lãi vay phải trả là 666,5 tỷ đồng.
Theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông Vận tải, lãi suất phần vốn vay ngân hàng dự tính trả cho nhà đầu tư giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là 11%/năm, giai đoạn từ 2021-2030 là 10%/năm, giai đoạn sau năm 2030 là 9%/năm. Trong khi đó, lãi suất mà Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng với doanh nghiệp dự án trong giai đoạn đầu dự án là 10,5-11%/năm, từ cuối năm 2018 là 12%/năm, từ giữa năm 2019 đến tháng 4/2020 dao động từ 12,4-12,8%/năm. Hiện tại, lãi suất SHB đang áp dụng là 12,4%/năm.
Như vậy tính từ đầu dự án đến nay mức chênh lãi suất với khoản vốn vay ngân hàng giữa hợp đồng BOT và thực tế doanh nghiệp dự án vay ngân hàng trung bình là 1,5%/năm.
Cũng theo ông Bùi Quang Bát, lãi suất vốn vay trong hợp đồng BOT đối với từng giai đoạn nêu trên chỉ là dự kiến để chạy phương án tài chính của dự án. Lãi suất này sẽ được xác định lại khi hai bên thống nhất giá trị quyết toán dự án. Nếu theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ Tài chính về quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư thì mức vay huy động vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 sẽ không vượt quá 10,5%/năm.
Sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất vay thực tế và lãi suất quy định theo hợp đồng BOT, trong trường hợp không được đơn vị cung cấp tín dụng điều chỉnh lãi vay hoặc Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận lãi suất phần vốn vay ngân hàng theo lãi suất thực tế mà doanh nghiệp dự án phải vay ngân hàng, khi đó liên danh nhà đầu tư dự án Hòa Lạc - Hòa Bình coi như không có lợi nhuận định mức đã được quy định trong hợp đồng BOT. Cụ thể, theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư được hưởng lãi suất 12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu đã bỏ ra với thời gian hoàn vốn dự án 27 năm 6 tháng 9 ngày là 1.837 tỷ đồng.
Theo tính toán của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình nếu chênh lệch lãi suất vốn vay giữa lãi suất trong hợp đồng BOT và lãi suất ngân hàng áp dụng (nhà đầu tư và ngân hàng) là 1,5%/năm, nhà đầu tư chỉ còn được hưởng lãi suất đối với phần chủ sở hữu là 612,23 tỷ đồng (giảm 1.224,8 tỷ đồng do phải trả tiền chênh lệch lãi suất cho phía ngân hàng). Khi chênh lệch là 2%/năm thì nhà đầu tư chỉ còn được hưởng lãi suất đối với phần chủ sở hữu là 203,96 tỷ đồng, giảm 1.633,1 tỷ đồng do phải trả tiền chênh lệch lãi suất cho phía ngân hàng.
Hiện tại doanh nghiệp dự án còn đang đối mặt với khó khăn lớn khi hợp đồng tín dụng đã ký với SHB hết thời gian rút vốn dự án vào ngày 30/4/2019. Doanh nghiệp dự án đã có nhiều văn bản gửi ngân hàng đề nghị chỉnh giảm mức lãi suất cho vay xuống nhỏ hơn hoặc tối thiểu chỉ bằng lãi suất theo quy định trong hợp đồng BOT nhưng đến nay vẫn không có ý kiến phản hồi từ ngân hàng. Số tiền cần phải giải ngân hoàn trả cho các nhà thầu tham gia dự án hiện khoảng 150 tỷ đồng (riêng phần kinh phí phải trả cho khối lượng của Tổng công ty 36 thực hiện khoảng 100 tỷ đồng) nhưng đến nay ngân hàng vẫn chưa giải ngân nên doanh nghiệp dự án không thể thanh toán cho các nhà thầu.
Bên cạnh dự án này, Tổng công ty 36 cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn tại một công trình giao thông BOT khác là dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua Bình Định và Gia Lai. Mặc dù đưa vào khai thác 4 năm nhưng thống kê cho thấy từ 1/6/2016 đến hết quý I/2020, nguồn thu phí của dự án này không đủ trả lãi vay ngân hàng. Điều này khiến công ty mẹ - Tổng công ty 36 phải bù đắp thiếu hụt số tiền 91 tỷ đồng, trong thời gian này, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT 36.71 cũng lỗ lũy kế lên tới 93 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 chia sẻ, dự án nâng cấp Quốc lộ 19 có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, gồm: Vốn nhà đầu tư 279,5 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 1.180 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn vốn trong 20 năm 6 tháng 19 ngày. Dù được đặt hai trạm thu phí để hoàn vốn, nhưng qua 4 năm thu phí, phương án tài chính của dự án BOT Quốc 19 đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, doanh thu thâm hụt trầm trọng khi nguồn thu từ thu phí không đủ trả lãi ngân hàng do dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, nhất là việc thay đổi cơ chế chính sách: Dự án phải miễn giảm phí, giá thu phí thấp hơn phương án ban đầu, không được tăng phí theo lộ trình…
Dẫn chứng cụ thể, ông Dũng cho biết, theo Thông tư 136/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu phí đường bộ mới tại dự án BOT Quốc lộ 19 tiếp tục có sự điều chỉnh giảm so với quy định ban đầu được quy định tại Thông tư 146/2015/TT-BTC dẫn đến doanh thu thu phí dự án này bị giảm. Chỉ tính từ lúc dự án bắt đầu thu phí 1/6/2016 đến 30/9/2018, doanh thu dự án giảm khoảng 14 tỷ đồng do quy định mức phí thấp hơn so với quy định trong hợp đồng.
Đây là nguyên nhân chính dẫn tới phương án tài chính của dự án bị phá vỡ. Tuy nhiên, đến nay, đã qua gần 2 năm theo lộ trình tăng giá vé của hợp đồng BOT đã ký (hợp đồng quy định năm 2019 tăng giá vé) nhưng dự án vẫn chưa được cấp thẩm quyền cho phép tăng giá vé. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp dự án còn thực hiện giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5km xung quanh trạm thu phí, khiến dự án sụt giảm thêm khoảng 5% doanh thu thu phí.
"Đặc biệt thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của dự án giảm khoảng 40% do lượng phương tiện đi lại sụt giảm mạnh. Nếu năm 2019, doanh thu bình quân của dự án khoảng 300 triệu đồng/ngày đêm, trong những tháng qua, bình quân mỗi ngày doanh thu dự án chỉ được khoảng 100 triệu đồng", ông Dũng thông tin.
Về phía nhà đầu tư, đại diện Tổng công ty 36 cho biết, nguồn thu tại dự án thâm hụt đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch vốn, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty 36. Đặc biệt là ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng giữa Tổng công ty 36 đã ký với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Cụ thể, hợp đồng tín dụng với Vietinbank đã xác định thời hạn vay cho dự án là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của hợp đồng được dự kiến là 20 năm 6 tháng 19 ngày.
"Nếu tiếp tục phải bù lỗ kéo dài trong các năm tiếp theo, đặc biệt lưu lượng xe và giá vé không tăng, doanh thu vẫn giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển và sự tồn tại của doanh nghiệp", đại diện nhà đầu tư cho biết.
Trước các khó khăn, vướng mắc tại dự án, vừa qua, Tổng công ty 36 đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với phương án tài chính của hợp đồng BOT (điều chỉnh từ vay 13 năm thành vay kéo dài đến kết thúc dự án theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng BOT) do dự án chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi chính sách pháp luật từ cơ quan nhà nước và giữ nguyên nhóm nợ (không xếp khoản nợ tín dụng của doanh nghiệp chuyển sang nhóm nợ xấu).
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước những khó khăn về phương án tài chính do doanh thu giảm sút tại các dự án BOT, trong đó có 2 dự án BOT do Tổng công ty 36 tham gia đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển các doanh nghiệp BOT sang nhóm nợ xấu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, các doanh nghiệp BOT đã có văn bản báo cáo khó khăn trong việc thu phí tại các dự án BOT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tập hợp các ý kiến của các doanh nghiệp BOT để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để từng bước tháo gỡ khó khăn tại các dự án BOT./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tong-cong-ty-36-voi-ganh-nang-tai-chinh-2-du-an-bot/163546.html