Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC có Chủ tịch Hội đồng thành viên mới

Ông Vũ Anh Tuấn, nguyên Tổng giám đốc SBIC, hiện là Ủy viên Ban chỉ đạo Tây Bắc được Bộ GTVT tiếp nhận, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC.

Ông Vũ Anh Tuấn chủ trì cuộc họp báo Vietship năm 2014 trên cương vị Tổng giám đốc SBIC.

Ông Vũ Anh Tuấn chủ trì cuộc họp báo Vietship năm 2014 trên cương vị Tổng giám đốc SBIC.

Theo thông tin của baodautu.vn, chiều 9/12, Bộ GTVT triển khai quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban chỉ đạo Tây Bắc giữ chức Chủ tịch HĐTV SBIC kể từ ngày 10/12/2019 thay cho ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT được thôi kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐTV SBIC.

Trước khi chuyển sang Ban chỉ đạo Tây Bắc vào năm 2016, ông Vũ Tuấn Anh cũng đã từng giữ chức Chủ tịch HĐTV SBIC. Ông Vũ Anh Tuấn sinh năm 1973, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng được Bộ GTVT bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc SBIC từ ngày 1/3/2013.

SBIC được thành lập năm 2013 trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin, do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, Bộ GTVT là cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của SBIC và các doanh nghiệp thuộc diện giữ lại vẫn hết sức khó khăn (lỗ lũy kế lớn, lỗ kinh doanh hàng năm tiếp tục phát sinh). Viêc sản xuất kinh doanh khó khăn do tồn tại về nhiều mặt từ giai đoạn trước khi thực hiện tái cơ cấu và chưa được xử lý triệt để.

Trong bối cảnh thị trường đóng tàu còn khó khăn, khi tiềm lực tài chính, uy tín của SBIC bị bào mòn trong thời gian qua khiến công tác xúc tiến sản phẩm của SBIC năm qua không đạt như kỳ vọng với số lượng hợp đồng ký mới đạt thấp kỷ lục trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2018, SBIC chỉ ký được 74 sản phẩm, với giá trị khoảng 1.682 tỷ đồng để lại nhiều nỗi âu lo cho lãnh đạo đơn vị.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của SBIC trong năm 2018 cũng là một bức tranh với nhiều gam màu tối khi tổng doanh thu toàn tổng công ty chỉ đạt 2.887 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm 2018; lợi nhuận trước thuế là âm 3.624,5 tỷ đồng (chủ yếu là khoản lỗ do chi phí tài chính gồm lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá).

Cần phải nói thêm rằng, so với năm 2018, tổng số lao động của SBIC chỉ còn 6.328 người, giảm 1.158 người so với năm 2017, nhưng không vì thế mà thu nhập của người lao động khấm khá hơn bởi mức lương bình quân của SBIC cũng chỉ đạt 7,79 triệu đồng/tháng, không đạt kế hoạch đề ra (8,05 triệu đồng).

Đối với khối các doanh nghiệp đang nằm chờ tái cơ cấu như cổ phần hóa, phá sản, giải thể của SBIC, khó khăn lại càng chồng chất. Tại một số đơn vị, người lao động đi làm trong thời gian dài 1 đến 2 năm nhưng chưa nhận được bất kỳ đồng lương nào dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn và bế tắc. Đặc biệt, do doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội khiến người lao động khi ốm đau không được hưởng chính sách bảo hiểm ngắn hạn và bảo hiểm y tế như quy định.

Anh Minh/baodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/tong-cong-ty-cong-nghiep-tau-thuy-sbic-co-chu-tich-hoi-dong-thanh-vien-moi-306675.html