Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN): Lãi ròng quý 1/2025 giảm 10%

Tổng Công ty Dược Việt Nam (UPCoM: DVN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 với lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ, bất chấp doanh thu ghi nhận tăng trưởng nhẹ.

Cụ thể, trong quý đầu năm 2025, DVN đạt doanh thu thuần hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá vốn bán hàng nhanh hơn (tăng 6%), khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sụt giảm 10%, chỉ còn 138 tỷ đồng.

Điểm sáng trong kỳ là doanh thu tài chính tăng 18% nhờ lãi chênh lệch tỷ giá và chi phí tài chính giảm mạnh tới 42%, chỉ còn 13 tỷ đồng. Dù vậy, khoản lợi nhuận từ các đơn vị liên kết lại sụt giảm đáng kể tới 39%, về mức 24 tỷ đồng.

Tổng hòa các yếu tố, DVN ghi nhận lãi ròng đạt 73 tỷ đồng trong quý 1, thấp hơn cùng kỳ 10%.

Theo giải trình từ DVN, việc lợi nhuận từ đơn vị liên kết đi xuống có liên quan đến việc ghi giảm giá trị khoản đầu tư vào CTCP Dược phẩm Sanofi-Synthelabo Việt Nam (SVN). DVN cho biết đã ghi giảm khoản đầu tư này do nhận được cổ tức từ nguồn lợi nhuận phát sinh trước ngày DVN chuyển sang công ty cổ phần. Đáng chú ý, tại thời điểm lập Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1, DVN đang phối hợp với SVN để thực hiện các thủ tục giải thể và đóng cửa công ty liên kết này theo quy định hiện hành.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, DVN từng chia sẻ đang trong quá trình hiện thực hóa việc nâng sở hữu tại SVN và dự kiến sẽ hoàn thành lên mức 30% trong quý 2 cùng năm. Công ty cũng đã giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc SVN tái cơ cấu ngành hàng tại công ty mới Opella, khẳng định việc này không ảnh hưởng tới các cam kết tăng tỷ lệ sở hữu của DVN tại SVN.

Về kế hoạch kinh doanh cả năm 2025, ĐHĐCĐ đã thông qua mục tiêu doanh thu gần 6.000 tỷ đồng (tăng 3% so với thực hiện 2024) và lãi trước thuế 465 tỷ đồng (giảm 9% so với thực hiện 2024). Với kết quả quý 1, DVN đã thực hiện được khoảng 21% kế hoạch doanh thu và 21% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Tại thời điểm cuối quý 1/2025, tổng tài sản của DVN đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 5%. Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ khoảng 1.030 tỷ đồng, lùi nhẹ. Hàng tồn kho duy trì ổn định ở mức gần 1.670 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả chủ yếu là nợ ngắn hạn, tăng nhẹ lên hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn ở mức hơn 1.240 tỷ đồng, gần như đi ngang. Các hệ số thanh toán nhanh và hiện hành đều lớn hơn 1 lần, cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của DVN vẫn trong tầm kiểm soát và không có nghi ngờ về khả năng trả nợ tới hạn.

Minh Minh

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/tong-cong-ty-duoc-viet-nam-dvn-lai-rong-quy-12025-giam-10-82711.html