Tổng Công ty Viglacera (VGC): Mảng khu công nghiệp thúc đẩy lợi nhuận vượt xa kế hoạch cả năm
Tổng Công ty Viglacera đã hoàn thành 121% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm nay chỉ sau 8 tháng, chủ yếu nhờ mảng bất động sản khu công nghiệp có diện tích cho thuê tăng và giá cho thuê cao.
Mảng bất động sản khu công nghiệp thúc đẩy lợi nhuận
Vừa qua, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt 1.663 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vượt xa kế hoạch cả năm nay (hoàn thành 121% kế hoạch cả năm 2023).
Kết quả này chủ yếu được thúc đẩy bởi các tín hiệu tích cực từ mảng bất động sản khu công nghiệp với 127 ha đất cho thuê ghi nhận trong kỳ, chủ yếu đến từ các khu công nghiệp: Yên Phong 2C, Yên Mỹ, Thuận Thành, và Phong Điền, cho loạt khách hàng lớn như Samsung, Amkor… với giá thuê trung bình là 110 USD/m2/chu kỳ thuê.
Qua đó, mảng bất động sản khu công nghiệp đem về 1.350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho Tổng Công ty Viglacera trong 8 tháng đầu năm 2023 (chiếm 81% tổng lợi nhuận), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Theo kế hoạch năm 2023, Tổng Công ty Viglacera sẽ ghi nhận 218 ha đất cho thuê, tăng 29% so với năm 2022. SSI Research nhận định, kết quả tích cực này cho thấy Tổng Công ty Viglacera giữ vững vị thế là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp đáng tin cậy với diện tích cho thuê lớn, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc.
Đối với mảng vật liệu xây dựng, doanh thu và lợi nhuận từ mảng kính xây dựng sụt giảm do nhu cầu yếu và cạnh tranh gay gắt từ kính nhập khẩu. Chi phí logistics năm nay giảm đáng kể so với năm 2022 khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường tăng lên. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu vật liệu xây dựng của Tổng Công ty Viglacera vẫn tăng trưởng tích cực trong 8 tháng đầu năm 2023; trong đó doanh thu gạch ốp lát và kính xây dựng lần lượt tăng 134 và 33% so với cùng kỳ năm 2022.
Dựa trên những kết quả trên, SSI Research đã nâng dự báo triển vọng kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera với nhận định doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của doanh nghiệp này lần lượt đạt 12.100 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,7% và giảm 24,6% so với năm 2022 trong bối cảnh điều kiện kinh doanh của hai mảng cốt lõi là vật liệu xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn chưa thực sự phục hồi.
Tuy nhiên, SSI Research hiện dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Tổng Công ty Viglacera sẽ phục hồi đáng kể, tăng tới 18,4% so với năm 2023. Đồng thời, trong dài hạn, Tổng Công ty Viglacera có thể duy trì biên lợi nhuận cao từ việc đang sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lên tới 823 ha (tính tới cuối năm 2022); trong đó tại Khu công nghiệp Yên Phong và Thuận Thành có diện tích sẵn sàng cho thuê hơn 265 ha. Đây cũng là khu vực có giá thuê cao của doanh nghiệp này với mức giá dao động từ 125-150 USD/m2.
Xem thêm: "Tập đoàn Gelex (GEX): Sẽ hoàn thành một dự án bất động sản công nghiệp cao cấp trong quý 2/2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Mảng kính và gạch ốp lát có nhiều tiềm năng tăng trưởng
Ngoài ra, Tổng Công ty Viglacera cũng đang giữ vị thế là một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm kính, gạch ốp lát, và thiết bị vệ sinh.
Đối với lĩnh vực kính, Tổng Công ty Viglacera là đơn vị sản xuất kính xây dựng lớn nhất Việt Nam với quy mô 94,9 triệu m2/năm và chiếm khoảng 42% thị phần kính tiêu thụ tại Việt Nam. Doanh nghiệp này vẫn đang có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 nhà máy Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ với công suất khoảng 56,8 triệu m2/năm. Nếu nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp quy mô sản xuất kính của Tổng Công ty Viglacera tăng lên 151,7 triệu m2/năm, tăng 60% so với công suất hiện tại.
Đối với lĩnh vực gạch ốp lát, Tổng Công ty Viglacera đã thực hiện mua và cải tạo Nhà máy gạch Viglacera Eurotile với công suất 9 triệu m2/năm vào năm 2021, nâng tổng công suất gạch ốp lát lên 37 triệu m2/năm, tăng 32% so với công suất trước đó. Năm 2022, nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động và có sản phẩm, tổng sản lượng sản xuất năm 2022 là 31,6 triệu m2, đạt công suất hoạt động 85%.
Dự kiến biên lợi nhuận mảng vật liệu xây dựng của Tổng Công ty Viglacera sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 dù hoạt động tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản và các hoạt động xây dựng dân dụng. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Viglacera đang đầu tư vào vào công tác phát triển sản phẩm mới theo định hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC đã quay đầu điều chỉnh giảm sau khi đạt đỉnh 12 tháng. Kết thúc ngày 22/9, cổ phiếu VGC đạt 50.400 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu VGC đã tăng gần 53%.