Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình kiểm tra thực thi pháp luật về dân số tại Gia Lai
Chiều 19-9, Đoàn công tác của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình do ông Phạm Minh Sơn-Vụ Trưởng vụ Pháp Chế-Thanh tra làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về dân số tại Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Gia Lai.
Tại buổi kiểm tra, ông Vương Nhật-Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Gia Lai báo cáo với Đoàn tình hình thi hành pháp luật về dân số từ năm 2021 đến nay. Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 1,5 triệu người, trong đó hơn 1 triệu người sống ở nông thôn. Có 132.377 người cao tuổi, chiếm 8,4% dân số toàn tỉnh; tuổi thọ trung bình đạt 71,2 tuổi (năm 2021) thấp hơn so với toàn quốc (73,6 tuổi). Về cơ cấu dân số, tỷ số giới tính khi sinh là 106 bé trai/100 bé gái (năm 2021); tỷ trọng dân số trong độ tuổi 15-64 tuổi chiếm 64% dân số; tỷ trọng dân số phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi chiếm 35,8% dân số; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 13,1%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 19%...
Qua nghe báo cáo, các đại biểu đã trao đổi một số nội dung liên quan đến Nghị quyết số 21-NQ/TW; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ; Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, ngày 27-4-2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; Quyết định số 5745/QĐ-BYT, ngày 10-12-2019 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên đề ngành dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số đến năm 2025; chế độ cho cộng tác viên dân số còn quá thấp (100 ngàn đồng/người/tháng). Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Pháp Lệnh dân số, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, nâng cao chất lượng dân số…vẫn còn nhiều hạn chế.
Phát biểu kết luận, Vụ Trưởng vụ Pháp Chế-Thanh tra Phạm Minh Sơn ghi nhận những kết quả về công tác dân số cũng như sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Gia Lai dành cho công tác dân số. Vụ Trưởng vụ Pháp Chế-Thanh tra cho rằng: Công tác dân số hiện nay cần sự phối hợp liên ngành để đảm bảo phát triển toàn diện. Vì thế, các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo và quan tâm hơn nữa đến công tác dân số. Đối với các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp cung cấp thông tin, chính sách dân số. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để giảm áp lực cho ngành Y tế cũng như công tác cán bộ của Ngành Dân số-KHHGĐ trong thời gian tới.
ĐINH YẾN