Tổng Cục Thống kê: Đến năm 2030 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng
Dựa trên ba kịch bản về sự thay đổi mức sinh gắn với kịch bản về tử vong và kịch bản về di cư. Dự báo theo phương án trung bình, đến năm 2030 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
Năm 2020 Tổng cục Thống kê (TCTK) đã thực hiện các nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các chủ đề dân số và phát triển bao gồm: Mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, di cư và đô thị hóa và dự báo dân số trong 50 năm (từ năm 2019-2069).
Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (TĐT năm 2019) do TCTK tổ chức ngày 18/12, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, dự báo cho thấy nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi vào năm 2034 là khoảng 1,5 triệu người, năm 2059 sẽ chênh lệch là 2,5 triệu người.
Cũng theo TCTK, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm. Trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa: tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thể trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.
Hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với TFR mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước, TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ.
Trong số các dân tộc có quy mô dân số trên 1 triệu người (Kinh, Tày, Thái, Khmer, Mường, Mông, Nùng), dân tộc Mông có mức sinh cao nhất. Trải qua ba thập kỷ, mức sinh của các dân tộc này đều giảm, trong đó dân tộc Mông có mức sinh giảm nhiều nhất (năm 1989: 9,30 con/phụ nữ, năm 2009: 4,96 con/phụ nữ, năm 2019: 3,59 con/phụ nữ). Hiện nay, chênh lệch về mức sinh giữa các nhóm dân tộc đang có xu hướng thu hẹp dần.
Dựa trên ba kịch bản về sự thay đổi mức sinh gắn với kịch bản về tử vong và kịch bản về di cư. Dự báo theo phương án trung bình, đến năm 2030 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Dự báo thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn từ năm 2026-2054), sau đó là thời kỳ dân số rất già (giai đoạn 2055-2069). Riêng kết quả tổng điều tra năm 2019 cho thấy dân số Việt Nam già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy, cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số và chỉ số già hóa dân số tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019.
“Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Những thông tin này cung cấp các bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới”- Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Bà Naomi Kitahara - trưởng đại diện UNFPA cho biết chủ đề mức sinh tại Việt Nam hiện đang thu hút rất nhiều sự quan tâm. Kết quả TĐT năm 2019 khẳng định tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định ở dưới mức sinh thay thế một chút, hiện tại là 2,09 con/phụ nữ. Điều này một lần nữa cho thấy sự xem xét kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển hướng công tác dân số, từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Về vấn đề mức sinh, bà Naomi Kitahara kêu gọi mọi người quan tâm tới tỷ suất sinh đặc trưng của nhóm nữ tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi với tỷ suất là 11 con /1.000 phụ nữ. So với năm 2016 thì tỷ suất này thấp hơn (19 con/1.000 phụ nữ). Năm 2016, tỷ suất sinh đặc trưng của nhóm tuổi vị thành niên của Việt Nam cao thứ 5 trong các quốc gia Đông Nam Á (sau Lào, Philipines, Campuchia và Indonesia). Điều này cần phải tăng cường đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm trẻ vị thành niên ở Việt Nam. Cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên, đảm bảo các em được tiếp cận tới các dịch vụ này để đưa ra các quyết định của mình.
Về vấn đề già hóa dân số, kết quả TĐT năm 2019 cho thấy dân số Việt Nam già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy, cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số và chỉ số già hóa dân số tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019.
Theo bà Naomi Kitahara, chúng ta cần nhấn mạnh một xu hướng mới - “nữ hóa” dân số cao tuổi, nghĩa là đa số người cao tuổi là phụ nữ. Thêm vào đó ngay càng nhiều người cao tuổi sống một mình. Điều này đã trở thành một vấn đề xã hội và cần nhận được sự quan tâm của cả xã hội…
“Những số liệu này cần được phân tổ tới các cấp địa phương thấp hơn. Bên cạnh đó, các dự báo dân số cũng đã được xây dựng đến năm 2069. Những quốc gia có dữ liệu tin cậy, độc lập, chất lượng là những quốc gia thành công về phát triển kinh tế xã hội – văn hóa. UNFPA sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với chương trình quốc gia hiện tại.”, bà Naomi Kitahara cho biết thêm.