Tổng cục Thuế giữ nguyên quyết định phạt Coca-Cola Việt Nam hơn 821 tỷ đồng
Tổng cục Thuế không chấp thuận nội dung khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam và giữ nguyên quyết định xử phạt doanh nghiệp này hơn 821 tỷ đồng.
Mặc dù có doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận của Coca-Cola Việt Nam khá thấp
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam. Theo đó, cơ quan thuế không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với doanh nghiệp này.
Hồi cuối tháng 12/2019, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỷ đồng.
Trước đó, từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2019, Tổng cục Thuế đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại Coca-Cola Việt Nam để thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của doanh nghiệp, giai đoạn từ năm 2007-2015.
Theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về kê khai thuế dẫn đến bị truy thu và bị xử phạt.
Cụ thể, cơ quan thuế quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài khoảng 52 tỷ đồng.
Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị tính tiền chậm nộp hơn 288 tỷ đồng và phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Coca-Cola Việt Nam đã có đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế với 10 nội dung, chủ yếu liên quan đến việc cơ quan thuế không chấp nhận cho doanh nghiệp được đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai như sản phẩm, vật phẩm khuyến mại; vỏ chai, két nhựa, tiền đặt cọc vỏ chai; một số chi phí mà doanh nghiệp chưa cung cấp được tài liệu chứng từ...
Đến cuối năm 2020, Tổng cục Thuế ra quyết định từ chối giải quyết khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam về kết quả thanh tra nêu trên.
Đặc biệt Tổng cục Thuế nhấn mạnh, trong giai đoạn 2007-2015, một trong những nguyên nhân khiến Coca-Cola Việt Nam thua lỗ kéo dài là do doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi.
Theo đó, mặc dù triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi nhưng Coca-Cola Việt Nam lại có rất ít thông báo khuyến mãi gửi đến sở công thương các tỉnh, thành nơi thực hiện khuyến mãi.
Chính vì vậy không đủ căn cứ để đối chiếu, rà soát, xác định chi phí khuyến mãi hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế đã loại các chi phí khuyến mãi mà Coca-Cola Việt Nam không thông báo với sở công thương hoặc thông báo không hợp lệ....
Được biết, những năm gần đây, doanh thu của Coca-Cola Việt Nam tăng trưởng đều đặn cả nghìn tỷ mỗi năm, thế nhưng khoản lợi nhuận ròng không tăng nhiều, cá biệt có năm còn sụt hơn một nửa.
Cụ thể, về doanh thu, Coca-Cola Việt Nam ghi nhận hơn 6.870 tỷ đồng vào năm 2016, tăng lên gần 7.220 tỷ đồng vào năm 2018. Đến năm 2019, doanh số của Coca-Cola Việt Nam ở mức xấp xỉ 9.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do giá vốn chiếm hơn 60% và các chi phí vận hành cao chót vót, Coca-Cola Việt Nam chỉ có lãi ròng 500 tỷ đồng vào năm 2016. Sang năm 2017, lợi nhuận giảm mạnh 50%, chỉ còn hơn 225 tỷ đồng bất chấp doanh số vẫn có sự tăng trưởng.
Năm 2018 - 2019, nhờ biên lãi gộp được cải thiện, doanh nghiệp có lãi lần lượt 550 tỷ đồng và 810 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn Tổng cục Thuế bắt đầu thực hiện đợt thanh tra về thuế và có quyết định xử phạt đối với doanh nghiệp này.
Tổng tài sản của Coca-Cola Việt Nam đạt 7.235 tỷ đồng vào năm 2016, đến năm 2019 tăng lên 9.700 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp trong giai đoạn này cũng tăng lên, từ 1.680 tỷ đồng đến 2.530 tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Thuế TP HCM, Coca-Cola Việt Nam bị xếp vào vị trí hàng đầu trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm.