Tổng cục Thuế theo sát 'sức khỏe' doanh nghiệp, đánh giá đúng nguồn thu

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với địa phương về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, ông Mai Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, năm 2025 cơ quan Thuế tiếp tục theo dõi sát sức khỏe doanh nghiệp, đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng thu, từ đó tổ chức lập giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới sát đúng với khả năng thực hiện.

Thu thuế, phí nội địa tăng 110,6% so với cùng kỳ

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, 7 tháng năm 2024, được sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, ngành Thuế đã triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế như: miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu NSNN, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng đầu năm ước đạt 1.018 nghìn tỷ đồng.

Tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng đầu năm ước đạt 1.018 nghìn tỷ đồng.

Tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng đầu năm ước đạt 1.018 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 114,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 983.625 tỷ đồng, bằng 68,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 115,5% so cùng kỳ, trong đó, thu thuế, phí nội địa tăng 110,6% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, thu ngân sách 7 tháng đầu năm do ngành Thuế quản lý đạt khá với 13/21 khoản thu sắc thuế và 26/63 địa phương đạt trên 65% dự toán, có 15/21 khoản thu, sắc thuế và 52/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Một số chính sách sẽ tác động đến thu NSNN

Năm 2025, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Một số chính sách dự kiến sẽ sửa đổi và có hiệu lực trong năm 2025, tác động lớn đến thu ngân sách của cả nước và từng địa phương, nhưng khó đánh giá chính xác tác động đến thu ngân sách của từng địa bàn như: chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Kết quả thu ngân sách 7 tháng đầu năm mặc dù đạt khá, tuy nhiên số thu đạt khá chủ yếu tập trung tại các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và khối các công ty xổ số, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không kể 3 khoản này thì thu nội địa do cơ quan thuế quản lý mới đạt được 62,5% dự toán so với các năm trước.

Dù tiến độ thu ngân sách đạt khá, nhưng vẫn còn 8/21 khoản thu, sắc thuế và 37/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp so dự toán (dưới 65%), trong đó có một số địa phương có tiến độ thu đạt thấp dưới 55% dự toán.

Trong số 37 địa phương có: 27/37 địa phương có tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp hơn mức bình quân chung cả nước; một số địa phương nguồn thu trọng điểm từ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiến độ thu NSNN 7 tháng còn chậm như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam... do thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô còn gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ tiếp tục hụt thu NSNN năm 2024.

Lập dự toán thu năm 2025 sát thực tế

Theo ông Mai Sơn, dự báo những tháng cuối năm hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nếu không triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, rà soát, khai thác tăng thu từ các nguồn thu khác sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024.

Để triển khai thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách và hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, Tổng cục Thuế đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thu. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thu. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Trong đó đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, khai thác hiệu quả các nguồn thu, thực hiện tốt các chuyên đề nâng cao hiệu quả quản lý thuế và chống thất thu, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán năm 2024.

Đồng thời, phân tích, đánh giá đúng tình hình, diễn biến thu để dự báo thu những tháng cuối năm chính xác, trên cơ sở đó có giải pháp tăng cường quản lý, khai thác tăng thu, đồng thời làm cơ sở lập dự toán thu năm 2025 sát thực tế.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nhiều địa phương đặt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cao nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu 5 năm 2021-2025. Theo đó, các công tác xây dựng lập dự toán thu NSNN cần phù hợp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm của địa phương, góp phần hoàn thành kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025.

Năm 2025, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Một số chính sách dự kiến sẽ sửa đổi và có hiệu lực trong năm 2025, tác động lớn đến thu ngân sách của cả nước và từng địa phương, nhưng khó đánh giá chính xác tác động đến thu ngân sách của từng địa bàn như: chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Để xây dựng dự toán NSNN năm 2025 đảm bảo tích cực, khả thi, sát với thực tế trên địa bàn, đồng thời đảm bảo dự toán thu thuế, phí nội địa năm 2025 bình quân cả nước tăng tối thiểu 5-7% so với ước thực hiện năm 2024 theo đúng Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức tăng trưởng tại từng địa phương đảm bảo phù hợp tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh trên địa bàn, Tổng cục Thuế kính đề nghị UBND nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương và các sở, ban ngành phối hợp với cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt một số giải pháp trọng tâm.

Trong đó, theo dõi sát sao sức khỏe doanh nghiệp, đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng thu ngân sách để xác định đúng mục tiêu thu NSNN, trên cơ sở đó tổ chức lập giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới sát đúng với khả năng thu.

Tổng cục Thuế tiếp tục chú trọng việc trao đổi thông tin phục vụ dự báo lập dự toán các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, phí, lệ phí, thu khác nắm bắt những nguồn thu mới, các dự án hết thời gian ưu đãi, những nguồn thu phát sinh đột biến, đặc thù... để dự báo và lập dự toán sát với khả năng thực hiện.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dự địa lớn như lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú... nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật thuế, góp phần tăng thu NSNN. Tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.../.

Cơ quan thuế tiếp tục cải cách thủ tục hỗ trợ người nộp thuế

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thu. Tăng cường quản lý, chống thất thu, quản lý hiệu quả các nguồn thu từ hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Đồng thời, mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền gắn với chương trình hóa đơn may mắn do ngành Thuế triển khai trên toàn quốc để kiểm soát doanh thu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nói chung, tham gia hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng nói riêng đảm bảo chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế.../.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tong-cuc-thue-theo-sat-suc-khoe-doanh-nghiep-danh-gia-dung-nguon-thu-155344.html