Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Khi người trẻ kể chuyện lịch sử bằng cả trái tim

Với tình cảm tri ân những thế hệ trước và khát khao lan tỏa lịch sử hào hùng của dân tộc, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã thành công dàn dựng đại nhạc kịch về lịch sử thành phố mang tên Bác.

Đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh tối 31/5 đã thu hút hàng vạn khán giả trong và ngoài nước theo dõi trực tiếp và trực tuyến.

Dù chương trình đã khép lại nhưng trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông, công chúng vẫn liên tiếp chia sẻ về những đại cảnh hoành tráng lần đầu tiên diễn ra tại Cảng Sài Gòn như màn tái hiện con tàu "Đô đốc Latouche Tréville" đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành vượt trùng dương ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 hay cảnh những chiến sỹ đặc công rừng Sác đánh chìm tàu địch…

Ngay khi trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những cảm xúc vẹn nguyên khi dàn dựng chương trình nghệ thuật hoành tráng này.

Kể lịch sử bằng cả trái tim

- Với sân khấu rộng lớn trên Cảng Sài Gòn, trên không trung và trên con tàu mô phỏng chiếc "Đô đốc Latouche Tréville", cùng hàng nghìn diễn viên tham gia, tôi nghĩ không quá khi gọi đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” là một chương trình nghệ thuật “bom tấn.” Bạn đã bắt đầu lên ý tưởng cho chương trình như thế nào?

 Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đang chỉ đạo tập luyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đang chỉ đạo tập luyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Theo yêu cầu của Sở Văn hóa-Thể thao và Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, tôi xây dựng kịch bản và làm tổng đạo diễn cho chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện mùa 2-Chuyến tàu huyền thoại” phản ánh lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thắp lên ngọn lửa tình yêu và tự hào về Thành phố, quảng bá vẻ đẹp Thành phố, vẻ đẹp đất nước.

Câu chuyện được bắt đầu từ lời kể của hai ông cháu - do “ông già Nam bộ” Nghệ sỹ Ưu tú Mạnh Dung và bé Gia Huy đóng, thể hiện rằng lịch sử sẽ được trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ.

Trong khoảng thời gian gần 90 phút, “Chuyến tàu huyền thoại” đã kể câu chuyện lịch sử cận đại, diễn ra trên dòng sông Sài Gòn, trong đó có các đại cảnh như: Hạ thủy những chiếc thuyền đầu tiên từ triều Nguyễn, đánh dấu sự khởi đầu của ngành đóng tàu tại Việt Nam; cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son năm 1925, do nhà cách mạng Tôn Đức Thắng lãnh đạo; chuyến tàu gắn với vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam năm xưa đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; trận đánh trên sông của các chiến sỹ đặc công rừng Sác…

Để xây dựng kịch bản cho chương trình, tôi đã dành nhiều tháng để nghiên cứu tư liệu lịch sử, gặp gỡ chuyên gia và các nhân chứng lịch sử - các cán bộ quản lý của Tổng công ty Ba Son, những cựu đặc công rừng Sác năm xưa… Tôi cũng tìm hiểu những chi tiết rất nhỏ như trang phục, cách sống, cách chiến đấu, kỹ thuật và công cụ chiến đấu… của các đặc công để có thể tái hiện lịch sử chân thực nhất.

 Nghệ sỹ Ưu tú Tuấn Lin trong vai Anh Ba. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghệ sỹ Ưu tú Tuấn Lin trong vai Anh Ba. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Để dàn dựng một chương trình hoành tráng như vậy chắc hẳn bạn đã gặp không ít khó khăn?

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Chúng tôi đã gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Chỉ một ngày trước khi chương trình diễn ra, trời mưa to gió lớn, thổi bay tất cả các đạo cụ. Tôi đứng nhìn mà chỉ biết kìm nén cảm xúc, tự nhủ rằng may mà mình vẫn còn một ngày để làm lại đạo cụ.

Với đại kịch bản quá nhiều chương, màn, cảnh, chúng tôi nỗ lực thực hiện mọi thứ trong sự tính toán cực kỳ khoa học. Và quả thực là những ngày qua chúng tôi đã làm việc với 500% sức lực.

Khó nhất có lẽ là đại cảnh đánh chìm tàu địch trên sông. Chúng tôi thực hiện những màn kỹ thuật cháy nổ thành công mà trong quá trình tập luyện chúng tôi chưa có điều kiện làm. Màn này quá nhiều rủi ro và thách thức, hơn nữa, đó lại là cảnh chuyển động, phụ thuộc vào con nước thay đổi từng giờ.

Cảnh Anh Ba lên con tàu "Đô đốc Latouche Tréville" cũng cực kỳ khó. Chúng tôi thuê một con tàu dài khoảng 70m và thiết kế lại theo nguyên mẫu con tàu Pháp. Phải tính toán làm sao để con tàu cập sát vào khu vực sân khấu chính trên Cảng Sài Gòn, tạo nên không gian mỹ thuật hài hòa cho sân khấu chung và đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định giao thông đường thủy. Việc chuyển cảnh từ sân khấu Cảng Sài Gòn lên sân khấu sàn tàu đã được tính toán và thử nghiệm rất nhiều lần cho trùng khớp với âm nhạc, ánh sáng.

- Cảm xúc của bạn như thế nào khi theo dõi phản hồi của công chúng những ngày gần đây?

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Tôi vỡ òa hạnh phúc vì một ước mơ tôi ấp ủ rất lâu đã trở thành hiện thực. Tôi mơ được kể về những nhân vật lịch sử vĩ đại. Tôi rất yêu và ngưỡng mộ những câu chuyện về Bác. Tôi muốn kể những câu chuyện đó đầy cảm xúc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ cũng yêu lịch sử như là mình đã yêu, đã ngấm vào trong máu. Tôi đã dành thời gian cả năm trời nghiên cứu lịch sử, viết kịch bản, tìm kiếm những thủ pháp, cách thức để kể câu chuyện đủ hấp dẫn vì đây là đề tài khó.

Tôi rất biết ơn Sở Văn hóa-Thể thao; Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với tư duy mang tính đột phá, táo bạo, mạnh mẽ đã tin tưởng và cho tôi cơ hội được thực hiện sứ mệnh quan trọng này.

Tôi cũng biết ơn những người đã đồng hành giúp tôi thực hiện giấc mơ này. Đây không chỉ là câu chuyện của Thành phố Hồ Chí Minh, hay của dòng sông Sài Gòn, mà là câu chuyện của cả dân tộc. Chúng ta tự hào vì ở nơi đây đã có rất nhiều những sự kiện lịch sử lớn đã diễn ra.

Dùng phương pháp giải trí để nâng hiệu quả giáo dục

- Là một nữ đạo diễn 8X lại không sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì sao bạn lại chọn “lối đi” khó như vậy?

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Tôi yêu lịch sử Việt Nam, yêu các nhân vật lịch sử của dân tộc. Kho tàng lịch sử văn hóa của chúng ta vô cùng đồ sộ cả về chiều dài và độ rộng. Tôi thích là một người kể chuyện bằng cả trái tim để làm sống dậy những câu chuyện lịch sử và văn hóa Việt ấy.

Tôi thích là một người kể chuyện bằng cả trái tim để làm sống dậy những câu chuyện lịch sử và văn hóa Việt.
- Tổng đạo diễn Lê Hải Yến

Ngày nào còn được cống hiến, tôi vẫn sẽ tiếp tục kể, tiếp tục đào sâu hơn nữa dưới những lớp đất và cát bụi thời gian để kể về những giá trị tinh hoa ngàn đời của cha ông ta, để các thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu về lịch sử, và tự hào về truyền thống của chúng ta, những câu chuyện của chúng ta không thua kém gì các nước trên thế giới.

Một ngày nào đó, những câu chuyện này sẽ vượt qua những giới hạn địa lý đến đến với công chúng quốc tế. Tôi nghĩ lễ hội là cơ hội truyền tải các câu chuyện đó một cách dễ dàng nhất. Chúng ta hãy xây dựng những lễ hội có thể khơi gợi lòng tự hào, gợi mở những hành trình trở về lịch sử, nguồn cội.

Nhiều người nói rằng tôi tự làm khó mình khi chọn lịch sử để làm nền tảng xây dựng chương trình nghệ thuật, lại dùng nhạc kịch để kể chuyện, có thể công chúng sẽ khó hiểu và đồng cảm. Tôi nghĩ rằng những người làm văn hóa không nên sợ khó, sợ sai mà hãy mạnh dạn thử sức, khai phá bản thân và nâng tầm nhận thức cảm thụ của khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Tôi thuộc thế hệ 8X, có thể xem như sự chuyển giao của thế hệ anh hùng cách mạng và giới trẻ Gen Y, Gen Z. Sau này, các bạn trẻ có thể không có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với những nhân chứng lịch sử như thế hệ 8X. Bởi vậy, tôi tự cho rằng mình có sứ mệnh kể lại những câu chuyện lịch sử.

 Cảnh các chiến sỹ đặc công đánh chìm tàu địch được xem là cảnh khó nhất chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cảnh các chiến sỹ đặc công đánh chìm tàu địch được xem là cảnh khó nhất chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Với một chương trình ý nghĩa như thế này, bạn có kế hoạch xây dựng những phiên bản nhỏ hơn để tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh không?

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Những chương trình thực cảnh hoành tráng đòi hỏi phải có phim trường, đạo cụ cố định, dàn diễn viên cố định thì mới có thể biểu diễn thường xuyên. Tôi rất muốn có thể lan tỏa chương trình rộng hơn nhưng tạm thời thì chưa làm được theo cách này.

Trước mắt, tôi đang đề xuất cắt các chương của “Chuyến tàu huyền thoại” để trình chiếu trong trường học, giúp việc học và cảm thụ môn Sử trở nên dễ dàng, hấp dẫn hơn.

Tôi hướng tới mô hình edu-tainment (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại. Ngồi trên hàng ghế khán giả có rất nhiều em nhỏ, các em vừa thích thú xem chương trình, vừa cùng nhau ôn lại những câu chuyện lịch sử từng học trong sách giáo khoa qua mỗi chương, đặc biệt là câu chuyện Bác Hồ (Anh Ba) rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

- Xin cảm ơn chia sẻ của tổng đạo diễn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tong-dao-dien-le-hai-yen-khi-nguoi-tre-ke-chuyen-lich-su-bang-ca-trai-tim-post957661.vnp