Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có nhiều điểm mới

Tổng điều tra kinh tế 2021 nằm trong chương trình tổng điều tra định kỳ 5 năm/lần nhằm thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp với các nội dung như: nhận dạng đơn vị điều tra, thông tin về lao động và thu nhập của lao động, kết quả và chi phí sản xuất, kinh doanh, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tổng điều tra kinh tế 2021 nằm trong chương trình tổng điều tra định kỳ 5 năm/lần nhằm thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp với các nội dung như: nhận dạng đơn vị điều tra, thông tin về lao động và thu nhập của lao động, kết quả và chi phí sản xuất, kinh doanh, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra. Từ những thông tin thu thập được sẽ góp phần quan trọng giúp ngành Thống kê và các bộ, ngành, địa phương cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh và biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội, làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra mẫu trong giai đoạn tiếp theo. Theo kế hoạch, cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được tiến hành làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1-3-2021 đến hết ngày 30-5-2021 thực hiện điều tra đối với doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp, hiệp hội. Trong đó thời gian điều tra đối với doanh nghiệp từ ngày 1-3-2021 đến hết ngày 30-5-2021; thời gian điều tra đối với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội từ ngày 1-3-2021 đến hết ngày 30-4-2021. Giai đoạn 2 từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-7-2021 thực hiện điều tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo.

Cán bộ Phòng Thu thập Thông tin thống kê kiểm tra các lỗi logic phiếu điều tra trên trang website Tổng điều tra kinh tế 2021.

Một trong những đổi mới của cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 đó là việc điều tra, thu thập thông tin được thực hiện bằng hình thức điện tử thông qua các thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh; các nội dung điều tra được thiết kế trong các bảng hỏi điện tử (web-form) và theo phiếu điện tử (CAPI), hoàn toàn không sử dụng phiếu giấy. Chính vì thế, công tác tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên và tập huấn nghiệp vụ được Cục Thống kê tỉnh tiến hành nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, phù hợp với từng khối điều tra. Cục Thống kê tỉnh đã lựa chọn hơn 75 điều tra viên, giám sát viên; tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra, sử dụng thiết bị và phần mềm cho hơn 200 lượt điều tra viên, giám sát viên. Cùng với đó, để bảo đảm cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đạt hiệu quả cao nhất, ngành Thống kê tỉnh còn chú trọng tuyên truyền giúp các đối tượng điều tra và nhân dân trong tỉnh thấy được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong quá trình thực hiện tổng điều tra. Cùng với đó, Cục Thống kê tỉnh cũng hoàn thành thông tin định danh về các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; báo cáo danh sách về Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả toàn tỉnh có 7.916 doanh nghiệp, trong đó có 5.771 doanh nghiệp đang hoạt động, 388 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 293 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, 390 doanh nghiệp giải thể, phá sản; 1.074 doanh nghiệp đang tồn tại nhưng không hoạt động. Số đơn vị thuộc đối tượng điều tra là 6.159 doanh nghiệp; 858 đơn vị sự nghiệp và 93 hiệp hội.

Tính đến 8 giờ sáng ngày 16-4-2021, toàn tỉnh đã có 584 doanh nghiệp đã hoàn thành kê khai, 527 doanh nghiệp đang kê khai, tỷ lệ hoàn thành là 9,5%. Đã có 793 đơn vị sự nghiệp hoàn thành kê khai, 11 đơn vị đang kê khai, tỷ lệ hoàn thành là 93%. Đã có 85 hiệp hội đã hoàn thành kê khai, 2 hiệp hội đang kê khai, còn 8 hiệp hội chưa kê khai, tỷ lệ hoàn thành là 89%. Các nội dung công việc điều tra đều được thực hiện đầy đủ, hoàn thành theo đúng kế hoạch và diễn ra thuận lợi. Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021 vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như tiến độ thu thập thông tin đối với doanh nghiệp còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do trong tháng 3-2021 các doanh nghiệp tập trung hoàn thành quyết toán năm 2020; một số doanh nghiệp thay đổi địa chỉ email nên điều tra viên chưa thể gửi thư, mẫu kê khai trực tuyến; có thời điểm không đăng nhập được vào đường link để kê khai... Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp tinh giản lao động nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh nên bộ máy kế toán, cán bộ thống kê thay đổi khó khăn tới công tác cung cấp thông tin trên hệ thống trang điện tử web-form. Số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chiếm khoảng 90% trong tổng số doanh nghiệp và thường xuyên thay đổi địa chỉ nhưng chưa kịp thời cập nhật.

Thời gian tới, Cục Thống kê tỉnh tập trung phối hợp với Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi tiến độ và kịp thời hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thu thập thông tin khối doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp, hiệp hội. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính trung thực, chính xác và khách quan của thông tin thu thập từ Tổng điều tra; phát hiện các sai sót khác gặp phải trong quá trình triển khai, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện từ đó có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Cùng với sự chủ động của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các cơ sở, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 góp phần đạt được hiệu quả cao nhất, từ đó tạo cơ sở dữ liệu quan trọng đánh giá chính xác sự phát triển của các đơn vị trên địa bàn theo ngành, lĩnh vực, loại hình, quy mô, chất lượng hoạt động./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202104/tong-dieu-tra-kinh-te-nam-2021-co-nhieu-diem-moi-2543695/