Tổng đình công, biểu tình phản đối chính sách cải cách lương hưu của chính phủ Pháp
Ngày 5-12, cuộc tổng đình công, biểu tình của công nhân ngành đường sắt, giáo viên, chuyên gia chăm sóc sức khỏe, luật sư, nhân viên bưu điện, và nhiều ngành nghề khác... diễn ra trên toàn nước Pháp nhằm phản đối chính sách cải cách lương hưu của chính phủ khiến giao thông đình trệ, nhiều trường học đóng cửa, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp lúc 20 giờ (giờ địa phương) cho biết, trên toàn nước Pháp có tổng số 806 nghìn người xuống đường biểu tình. Tuy nhiên theo Tổ chức công đoàn CGT cho biết, số người biểu tình lên tới 1,5 triệu người.
Cụ thể Bộ nội vụ cho biết, số người xuống đường biểu tình tại Paris là 65 nghìn người. Trong khi đó, Công đoàn cho biết có tới 250 nghìn người xuống đường phản đối kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của chính phủ.
Do đình công, tại Paris, buổi sáng chỉ có hai tuyến tàu điện ngầm số 14 và đường số 1 hoạt động. Ngành đường sắt cũng đã phải hủy 90% các chuyến tàu cao tốc (TGV) và 70% các chuyến tàu liên tỉnh (TER). Các tuyến đường sắt cao tốc quốc tế Eurostar và Thalys đi London và Brussels bị hủy hoặc bị gián đoạn nghiêm trọng.
Hãng hàng không Air France đã ngừng 30% các chuyến bay nội địa và 10% các chuyến bay quốc tế. Biểu tình khiến Tháp Eiffel và một số bảo tàng ở Paris phải đóng của hoàn toàn hoặc một phần. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật bị hủy.
Bộ Giáo dục xác nhận, có 51,15% giáo viên tiểu học và 42,32% giáo viên trung học cơ sở đình công. Tại tỉnh Seine-Saint-Denis, ngoại ô phía bắc Paris, hơn 79% giáo viên đã đình công và 400 trường học bị đóng cửa.
Thị trưởng Paris cho biết, có 398 trường học đóng cửa, 254 trường mở cửa nhưng một nửa bị gián đoạn giờ học.
Căng thẳng đã xảy ra gần Quảng trường Cộng hòa ở phía đông Paris vào buổi sáng, nơi hàng nghìn người đã tập trung để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu. Ước tính có hơn 700 phần tử mặc áo đen trà trộn vào người biểu tình đốt xe ô-tô và đập vỡ cửa kính của cửa hàng khiến cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán. Các cuộc diễu hành lớn khác đã diễn ra trong hòa bình.
Cảnh sát Paris cho biết họ đã bắt giữ 71 người biểu tình quá khích. Tại TP Lyon miền đông-nam, cảnh sát và người biểu tình cũng đã đụng độ ở phía đông nam của thành phố, làm năm người bị thương trong đó có ba cảnh sát. Lực lượng an ninh cũng sử dụng hơi cay để giải tán những người quá khích.
Các công nhân ngành vận tải, kiểm soát không lưu, giáo viên, nhân viên cứu hỏa, luật sư và các ngành nghề khác đều lo ngại việc họ sẽ phải làm việc lâu hơn hoặc nhận lương hưu giảm đi do chính sách cải cách hưu trí của chính phủ.
Trong buổi làm việc sáng 5-12 với Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu chính phủ phải kiên định về những nguyên tắc cơ bản của chính sách cải cách lương hưu, tiếp tục bảo vệ chính sách theo từng điểm. Ông nhắc lại ba điểm chính của chính sách cải cách này gồm: tính phổ quát, công bằng và cân bằng.
Pháp hiện có 42 chương trình lương hưu khác nhau dành cho các lĩnh vực khác nhau, nhưng chính phủ đề xuất kế hoạch hợp nhất các hệ thống đó thành một chương trình lương hưu. Việc cải cách sẽ nâng các đặc quyền được cấp cho công chức và tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi. Người lao động sẽ được hưởng lương hưu đầy đủ nếu họ nghỉ hưu ở tuổi 64. Nếu họ nghỉ hưu trước đó, họ sẽ mất 5% lương hưu cho mỗi năm họ nghỉ hưu sớm. Họ cũng sẽ được tăng 5% lương hưu mỗi năm, nếu họ nghỉ hưu sau 64 tuổi.
ĐÌNH TUẤN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Phâp