Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh nước sạch Sông Đà thừa nhận dầu loang nhưng nói nước có mùi là do clo
Mặc dù phát hiện nhiều mảng dầu loang trong dòng nước từ ngày 9/10 nhưng đến nay, Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh nước sạch Sông Đà vẫn khẳng định, nước có mùi là do hàm lượng clo cao.
Liên quan đến hiện tượng nước sinh hoạt tại Hà Nội có mùi lạ, hôi hắc khét trong hơn 5 ngày qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã thừa nhận, nhiều vệt dầu loang trên hồ được phát hiện từ ngày 9/10 và nhanh chóng huy động lực lượng nhân sự dùng phao chuyên dụng quây cách ly để ngăn dầu lan vào khu bể ngăn lấy nước và vớt toàn bộ dầu loang.
Mặc dù phát hiện vết dầu loang từ ngày 9/10 và đến ngày 10/10 nhiều điểm cư dân ở Hà Nội bắt đầu phát hiện nước có mùi lạ nhưng ông Nguyễn Văn Tốn vẫn khẳng định: "100% không lọt thì không dám nhưng kết quả kiểm nghiệm chất lượng hàng ngày của nhà máy thì vẫn đạt chất lượng".
Lý giải về mùi hôi này, ông Tốn cho rằng, theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, dư lượng clo trong nước có hàm lượng cho phép từ 0,3 - 0,5 mg/lít nhưng tiêu chuẩn mới là từ 0,2 - 1,0 mg/lít. Khi xử lý nước có dầu loang, công ty cũng cho nâng hàm lượng Clo nên có thể người dân, nhất là những người mẫn cảm thấy có mùi khó chịu. Công ty nghĩ đó là mùi clo nhưng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.
Ông Tốn khẳng định: "Chúng tôi không bưng bít thông tin. Ngay khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã báo báo cho chính quyền địa phương và Công an tỉnh Hòa Bình. Từ ngày 11/10, đoàn thanh tra liên ngành của Sở Xây dựng và Y tế Hà Nội đã lên làm việc kiểm tra.
Thậm chí, chúng tôi còn thường xuyên liên hệ khách hàng và gửi kết quả kiểm tra chất lượng nước do công ty tự kiểm cho họ. Chính tôi gửi kết quả kiểm tra qua mạng xã hội cho 1- 2 khách hàng nên chúng tôi khẳng định là không bưng bít thông tin.
Đến nay, nước cung cấp cho người dân vẫn đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đó là số liệu chứng minh, không phải nói thế nào cũng được. Nước có mùi là do Clo và chúng tôi cũng khẳng định không có chất độc gì trong nước. Thực ra mùi thì chỉ là cảm nhận. Công ty cho rằng đó là mùi clo. Còn mùi gì nữa thì nên đợi kết quả của cơ quan y tế".
Từ ngày 10/10, cư dân ở quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... phát hiện nước sinh hoạt chảy ra từ vòi có mùi hôi rất lạ. Mùi hắc, cháy khét giống như điện cháy.
Mặc dù lãnh đạo Công ty CP kinh doanh nước sạch Sông Đà phát hiện ra nhiều vệt dầu loang từ 9/10 nhưng đến nay, các cư dân ở Hà Nội đều khẳng định không hề nhận được bất cứ một khuyến cáo nào về dòng nước có mùi lạ từ các đơn vị cung cấp nước.
21 lần vỡ đường ống, Viwasupco vẫn thu lợi nhuận khủng
Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tiền thân là Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex. Hiện nay, 90% lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính là Viwaco (một công ty con của Vinaconex làm nhiệm vụ phân phối), Hawaco và nước sạch Hà Đông.
Viwasupco đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, một số quận nội thành và một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Hà Nội, Hà Đông.
Giai đoạn 2012 - 2016, Viwasupco lao đao khi đường ống nước sông Đà vỡ 21 lần, ảnh hưởng cuộc sống của 177.000 hộ dân khiến ban lãnh đạo của công ty này và một số lãnh đạo trực thuộc các công ty của Vinaconex bị truy tố.
Ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, cựu Chủ tịch Viwasupco bị tuyên án 24 tháng tù.
Đến năm 2017, Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại Viwasupco. Sau một số giao dịch, Viwasupco có 2 cổ đông chính là Gelex Energy (hơn 60% cổ phần) và REE (36%).
Năm 2018, công ty đạt doanh thu thuần gần 470 tỷ đồng, lãi sau thuế 219 tỷ.
Năm 2019, công ty chỉ đặt kế hoạch lãi 79 tỷ đồng (bằng 1/3 so với năm 2018), mặc dù doanh thu vẫn giữ nguyên thậm chí tăng nhẹ sản lượng khai thác (92 triệu m3).
Công ty nhận định đang sử dụng vật liệu là ống cốt sợi thủy tinh lại chạy dọc giữa giải phân cách của Đại lộ Thăng Long, qua nhiều khu vực có nền địa chất yếu, không ổn định, với mật độ ô tô chở vật liệu xây dựng lưu thông ngày càng cao nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra rò rỉ và vỡ ống, trong khi công ty chỉ có một đường ống độc đạo.