Tổng giám đốc Công ty CP Savvycom Đặng Thị Thanh Vân: Việt Nam có nhiều cơ hội chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững
Là nữ tướng trong doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, bà ĐẶNG THỊ THANH VÂN, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty CP Savvycom (Hà Nội) luôn có khát vọng sẽ nâng tầm DN Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi và tái cấu trúc như hiện nay, bà Vân cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành một trong những trung tâm thúc đẩy tăng trưởng, chuyển đổi mô hình phát triển xanh, bền vững. Tìm cơ hội từ những khó khăn, điều quan trọng là các DN phải tích cực, chủ động, hành động sau những kinh nghiệm học hỏi được từ thế giới.
Chuyển đổi để phát triển bền vững
* Theo bà, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Việt Nam đã có những chuyển biến gì trong phát triển kinh tế?
- Khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà còn với hầu hết các nước trên thế giới. Trong đó, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và dấu hiệu phục hồi chậm. Chính phủ đã làm rất nhiều hoạt động để hỗ trợ cho các DN, người dân để từng bước phục hồi kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện nhiều chương trình gặp gỡ, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư quốc tế đến với thị trường trong nước. Những sự kiện như vậy có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế, các tập đoàn lớn cùng bàn luận, đó là cơ hội để Việt Nam giới thiệu mình, tiếp nhận những kinh nghiệm quý. Chúng ta phải tự nhận thấy mình đang đứng ở đâu, cơ hội, thách thức ra sao để thực sự hướng tới phát triển bền vững.
Điều đáng mừng là trong một năm đầy thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang kinh tế có giá trị gia tăng cao, kinh tế xanh, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới. Điều này được thúc đẩy nhờ vào việc Việt Nam tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó, Chính phủ có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ DN như: giảm, giãn nợ thuế... Các DN chủ động sắp xếp, tái cơ cấu để tinh gọn, phát triển hiệu quả, đưa Việt Nam lên một tầm cao mới dựa trên sự học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến khác.
Theo bà ĐẶNG THỊ THANH VÂN, DN đóng vai trò tiên phong, hội nhập trên hành trình xanh, là hạt nhân phát triển xanh của quốc gia. Hơn lúc nào hết, các DN cần phải tích cực tham gia, tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.
* Như bà đã nói, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, vậy đối với từng DN sẽ có khó khăn gì trong lộ trình chuyển đổi?
- Về phía các DN, để đáp ứng phát triển bền vững đang còn nhiều vấn đề. Những DN, tập đoàn lớn đã có bước đi khá tốt, tuy nhiên đa phần DN của chúng ta vẫn đang ở quy mô nhỏ và vừa. Trong giai đoạn hiện nay, điều họ quan tâm nhất là sự sống còn của mình, chưa chuẩn bị thời gian, tiền bạc để xây dựng lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước sau gì cũng phải thay đổi, những bước đi, tầm nhìn ngắn hạn chắc chắn đến một điểm nào đó sẽ lạc thời và dừng lại.
Những khó khăn hiện tại là tạm thời nên các DN phải tìm cách vượt qua và từng bước chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam cần tới 236 tỷ USD để có thể xây dựng một nền kinh tế xanh từ bây giờ cho đến năm 2040, đây là một con số rất lớn nhưng nếu có quyết sách đúng đắn từ Nhà nước thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, DN.
* Theo bà, các địa phương, vùng kinh tế phải liên kết như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội?
- Kết nối hạ tầng rất quan trọng. Đơn cử như vùng Đông Nam bộ, thời gian qua, TP.HCM và các địa phương đã dồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, với đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Nhiều tuyến đường lớn như: đường vành đai 3, đường vành đai 4 các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam; kết nối Đông Tây đã và đang được xây dựng. Hệ thống sân bay lớn, cảng biển… cũng được đầu tư mới và nâng cấp trở thành đầu mối giao thông lớn nhất cả nước và là một trong những trung tâm khu vực.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, theo tôi, các địa phương trong vùng cần có sự nỗ lực, đồng hành cùng nhau hơn nữa, nhất là đối với việc thực hiện quy hoạch vùng, kết nối kinh tế vùng mà thời gian qua đang được Chính phủ, các địa phương trong khu vực triển khai.
Con người là yếu tố quan trọng nhất của DN
* Công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh mẽ đến với mọi lĩnh vực của xã hội. Theo bà, các DN cần có kế hoạch như thế nào?
- Trí tuệ nhân tạo đang và sẽ là xu thế công nghệ chủ đạo trong tương lai. Vì vậy, các DN Việt Nam ngay lúc này nên xây dựng kế hoạch ứng dụng AI lâu dài, dựa trên nghiên cứu đánh giá giữa được và mất bằng con số cụ thể. Nghĩa là phải định lượng được nếu dùng AI thì giá trị mang lại trong 1 năm, 3 năm, 5 năm… là bao nhiêu, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt phát triển con người và các yếu tố khác DN đang hướng đến. Từ đó, DN đưa ra những chiến lược đúng đắn, phù hợp với công nghệ của mình.
Cách tốt nhất là tận dụng những điều thế giới đã làm, từ đó điều chỉnh và nâng cấp cho phù hợp với đặc thù DN. Nếu cần thì hợp tác với các công ty công nghệ đã có kinh nghiệm và nguồn lực để tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian đưa AI vào những công việc cụ thể. Nên kết hợp hài hòa giữa AI và con người, tận dụng tối ưu sức mạnh từ cả hai phía sẽ là giải pháp đáng cân nhắc cho cả DN và cá nhân.
* Tại Savvycom, chất lượng nhân sự có phải là yếu tố cốt lõi của DN?
- Nhân sự là cốt lõi của công ty, kế thừa và lan tỏa văn hóa, giá trị của DN cũng như tinh thần lãnh đạo trong không chỉ nội bộ công ty, mà còn tới tất cả các khách hàng, đối tác.
Chúng tôi đã và đang xây dựng văn hóa học hỏi và sẻ chia trong đội ngũ nhân viên, trong đó lớp nhân sự gạo cội không chỉ đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đường cho các nhân sự trẻ, mà họ cũng nhận được những bài học mới mẻ từ chính thế hệ đàn em. Thế giới và công nghệ không ngừng thay đổi, đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn nỗ lực học hỏi. Ưu điểm của người trẻ là có nguồn năng lượng tích cực và có khả năng nhanh nhạy áp dụng kiến thức công nghệ mới, giúp môi trường làm việc ngày càng tiến bộ.
* Bà có những dự định gì đặc biệt đưa DN của mình bứt phá trong thời gian tới?
- Tiếp tục bứt phá và tiến lên, chúng tôi đặt mục tiêu đưa Savvycom trở thành một trong tốp 10 công ty công nghệ số trong khu vực ASEAN. Chúng tôi đã và đang chuẩn bị mọi nguồn lực, từ quy tụ nhân sự, đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D), mở thêm các văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu và hoạch định kế hoạch tài chính một cách rõ ràng.
Savvycom được thành lập năm 2009, khi thế giới vừa bước ra từ cuộc khủng hoảng tài chính, hiện đã đi qua cuộc khủng hoảng thứ hai. Khách hàng của Savvycom đã có mặt khắp 20 quốc gia, trải khắp 4 châu lục nên chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục xu hướng đón đầu những công nghệ và xu thế mới nhất để duy trì vị thế và mở rộng quy mô hoạt động của mình.
* Xin cảm ơn bà!
Văn Gia (thực hiện)