Tổng giám đốc FAO: Chuyển đổi tư duy tạo nên đột phá cho nông nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo cấp cao của FAO đã làm việc về hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nam-Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của FAO. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của FAO. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính quốc tế cho ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng ít và khó khăn, sự ủng hộ, hỗ trợ của FAO cho các dự án, các chương trình, sáng kiến khu vực và toàn cầu, các hợp tác kỹ thuật trực tiếp của FAO cho Việt Nam là rất cần thiết.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và đoàn lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) diễn ra chiều ngày 6/2 tại Hà Nội.

FAO là đối tác quan trọng của ngành nông nghiệp

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định: “FAO là đối tác quan trọng trong số các cơ quan hợp tác kỹ thuật của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cho ngành nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Chính phủ và nông dân Việt Nam cám ơn sự hỗ trợ hiệu quả của FAO trong hơn 45 năm qua, thông qua hơn 400 dự án về phát triển nông, lâm, thủy sản bền vững, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp ổn định đời sống người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.”

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 11,86% GDP của quốc gia và tạo việc làm cho gần 30 % lao động. Trong suốt tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một phần to lớn đóng góp tích cực của các đối tác, bạn bè quốc tế, trong đó có tổ chức FAO, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là mục tiêu SDG1 và SDG2.

Về phía FAO, ông Khuất Đông Ngọc, Tổng giám đốc FAO nhấn mạnh chuyển đổi tư duy chính là yếu tố then chốt để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với các xu hướng mới như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, kiểm soát thất thoát lương thực. Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” đang từng bước hình thành một vùng chuyên canh lúa đạt tiêu chuẩn cao, cải thiện thu nhập của nông dân, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

 Ông Khuất Đông Ngọc, Tổng giám đốc FAO phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ông Khuất Đông Ngọc, Tổng giám đốc FAO phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Tổng giám đốc FAO đánh giá cao sáng kiến Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” và khuyến nghị rằng sau bước đầu thành công chuyển đổi xanh ngành hàng lúa gạo, Việt Nam có thể nhân rộng mô hình sang các ngành hàng khác như nông sản, lâm nghiệp và thủy sản.

Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nam-Nam

Tại cuộc hội đàm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất các nội dung Việt Nam đề nghị FAO hỗ trợ trong giai đoạn tới gồm: Xây dựng các dự án, chương trình hợp tác cụ thể nhằm huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ, các Quỹ tài chính khí hậu cho các lĩnh vực canh tác lúa, phát triển thủy sản bền vững, chăn nuôi, lâm nghiệp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học; Sát cánh cùng Việt Nam trong việc triển khai Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển nông nghiệp sinh thái, ít phát thải.

Việt Nam cũng muốn muốn FAO chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và ứng dụng khoa học công nghệ trên toàn chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực, nhất là trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp, quản lý dịch bệnh, quản lý tài nguyên, quản lý nguồn nước xuyên biên giới; hỗ trợ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm của Việt Nam…

 Ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung trong cơ chế hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung trong cơ chế hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Bên cạnh đó, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hợp tác Nam-Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển-PV), hợp tác ba bên với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế song phương và đa phương. FAO là cầu nối để huy động tài chính cho các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam có thể hướng dẫn, làm mô hình trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Phi thông qua hợp tác Nam-Nam. Việt Nam sẵn sàng thành lập Trung tâm hợp tác Nam-Nam cho vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Nhân dịp này FAO và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nam-Nam. Ông Khuất Đông Ngọc khẳng định: “FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào Hợp tác Nam-Nam, bởi điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cả các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tong-giam-doc-fao-chuyen-doi-tu-duy-tao-nen-dot-pha-cho-nong-nghiep-viet-nam-post1010949.vnp