Tổng giám đốc FPT: 'ESG không phải món trang sức của doanh nghiệp'
Đây là thông điệp mà ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT (mã FPT) chia sẻ trong hội thảo 'Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?' do báo Dân trí tổ chức sáng ngày 29/8.
ESG mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Ông Khoa cho rằng, khi doanh nghiệp coi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là tài sản, lợi thế cạnh tranh, đem lại hạnh phúc cho xã hội thì mới nên bắt tay vào thực hiện. ESG không chỉ bảo vệ môi trường, bảo vệ cộng đồng, cốt lõi hơn cả doanh thu, lợi nhuận là đem lại môi trường hạnh phúc cho doanh nghiệp của mình.
“ESG không phải món trang sức của doanh nghiệp”, ông Khoa nhấn mạnh.
ESG giúp FPT nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro, gia tăng giá trị doanh nghiệp và gắn kết nội bộ, lan tỏa các bên liên quan.
Hai mục tiêu trọng tâm mà FPT hướng đến quản trị phát triển bền vững là tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu hoặc tạo ra các giá trị mới.
Từ đó, ông Khoa chỉ ra 5 nguyên tắc trong triển khai ESG tại FPT. Thứ nhất là cam kết của lãnh đạo, lãnh đạo làm gương, đảm bảo quản lý cấp cao, ủng hộ các sáng kiến ESG.
Thứ hai là thu hút nhân viên ở mọi cấp độ vào các hoạt động và quá trình ra quyết định liên quan đến ESG.
Thứ ba là đào tạo và phát triển, cung cấp đào tạo cho nhân viên để nâng cao trình độ chuyên môn.
Thứ tư là thiết lập các chính sách và kênh truyền thông nhằm đưa thông điệp tới toàn nhân viên.
Thứ năm là thiết lập các số liệu đo lường hiệu suất ESG và báo cáo minh bạch về tiến độ.
Ở nhóm tài chính, ông Văn Công Bình, Giám đốc Môi trường và Xã hội, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (mã HDB) cho biết, HDBank đã liên kết các giá trị của mình với các nguyên tắc ESG, đảm bảo rằng các hoạt động và quy trình ra quyết định cho vay của ngân hàng xem xét các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị.
“Ví dụ, chúng tôi đã triển khai áp dụng quy trình quản lý rủi ro môi trường xã hội (gọi tắt là ESMS) cho hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp từ cuối năm 2023. Việc áp dụng ESMS thể hiện sự chủ động của ngân hàng trong việc quản trị rủi ro môi trường và xã hội, đóng góp vào phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả tài chính cũng như uy tín của ngân hàng”, ông Bình thông tin.
Tuy nhiên, phát triển bền vững là lĩnh vực còn mới mẽ với Việt Nam nói chung và với hệ thống ngân hàng nói riêng. Do đó, ông Bình cho rằng, việc triển khai quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG có những thách thức bước đầu như độ chênh về chính sách áp dụng giữa trong nước và thông lệ quốc tế, nguồn lực nhân sự giới hạn, thu thập và phân tích dữ liệu còn hạn chế, sự nhất quán trong ban điều hành, khả năng đánh đổi lợi ích tài chính trong ngắn hạn so với lợi ích tổng thể trong dài hạn...
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rằng việc áp dụng các nguyên tắc ESG sẽ mang đến những cơ hội đáng kể cho HDBank và toàn bộ ngành ngân hàng”, ông Bình nói.
Rào cản từ nhận thức đến hành động
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đánh giá, yêu cầu từ xã hội với ESG ngày một gia tăng. Các nhà đầu tư không chỉ mong muốn một doanh nghiệp tạo ra đủ lợi nhuận mà còn kỳ vọng tổ chức triển khai thực hiện hoạt động kinh doanh theo cách thức bền vững. Còn khách hàng thì đang thực thi quyền “bỏ phiếu bằng chính ví tiền của họ”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như thiếu vốn, đơn hàng và chi phí vận chuyển gia tăng, nên giải pháp hiệu quả chính là ESG.
Báo cáo ESG Reading 2022 của PwC cho thấy 85% doanh nghiệp được khảo sát đã hoặc đang lên kế hoạch triển khai các sáng kiến ESG. Con số này cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của doanh nghiệp Việt về ESG. Tuy nhiên, chỉ có 43% doanh nghiệp tin rằng họ đã sẵn sàng để thực hiện báo cáo ESG, cho thấy một khoảng cách đáng kể giữa nhận thức và hành động.
Mặc dù nhận thức về ESG đang tăng lên, việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Báo cáo của UOB năm 2023 chỉ ra rằng chỉ có 1/3 công ty Việt Nam thực hiện báo cáo ESG một cách kỹ lưỡng và toàn diện.
Về mặt chính sách, sự ra đời của Thông tư 09/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết báo cáo về các chỉ số môi trường và xã hội, là một minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm của Chính phủ đối với ESG. Điều này tạo ra một áp lực tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp phải hành động để đáp ứng yêu cầu pháp lý.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn còn xem ESG là một khái niệm xa vời và tốn kém. Họ chưa nhận thấy rõ ràng mối liên hệ giữa ESG và hiệu quả kinh doanh, cũng như chưa có đủ nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động ESG”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung đánh giá.
Ông Trung chỉ ra ba rào cản lớn mà các doanh nghiệp cần vượt qua.
Thứ nhất là nhận thức chưa đồng đều. Theo khảo sát của PwC, có 43% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc hiểu rõ các yêu cầu báo cáo ESG.
Thứ hai là lựa chọn tiêu chuẩn báo cáo. Sự đa dạng của các tiêu chuẩn báo cáo ESG quốc tế khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp.
Thứ ba là minh bạch và tin cậy. Thực tế, thiếu các quy định và hướng dẫn rõ ràng về báo cáo ESG khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại về tính minh bạch và tin cậy của báo cáo. Một số doanh nghiệp lo ngại rằng việc công bố thông tin ESG có thể ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của họ.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Đức Trung chỉ ra bốn bước đi cần thiết mà củng cố năng lực nội tại của doanh nghiệp gồm: tái cơ cấu nếu cần thiết - đưa ESG vào chiến lược kinh doanh tổng thể - xây dựng sự hỗ trợ ở các cấp độ của tổ chức - ESG song hành cùng công cuộc chuyển đổi số.