Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Cần khai phóng sức mạnh của các nữ doanh nhân
Một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, bình đẳng và minh bạch sẽ giúp phụ nữ khai phóng được hết sức mạnh để đóng góp nhiều hơn cho xã hội...
Trong mắt của ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, tất cả nữ doanh nhân đều đáng ngưỡng mộ. Bởi lẽ, trải qua nhiều thế hệ khác nhau, nhưng các nữ doanh nhân vẫn cho thấy bản lĩnh, nghị lực và cả lợi thế của phái nữ để khẳng định mình trong đời sống kinh doanh. Ông tin rằng, giá trị đó cùng một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, bình đẳng và minh bạch sẽ giúp phụ nữ khai phóng được hết sức mạnh để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Có người nói đàn ông thường đóng vai trò chính trong chuyện tiền bạc vì phụ nữ không giỏi tính toán hay ra quyết định về tài chính, họ cũng không phù hợp để đứng đầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp do phụ nữ điều hành cho thấy sức bền vượt qua được những khó khăn. Ông có có cảm nghĩ gì về điều này?
Thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Xu hướng phát triển này càng được phát huy, chúng ta càng chứng kiến thêm nhiều phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các vấn đề tài chính và điều đó có tác động rất tích cực lên toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Kết quả là phụ nữ có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các quyết định mua sắm, không chỉ trong gia đình mà cả ở bối cảnh doanh nghiệp. Phụ nữ quyết định 85% tổng chi tiêu tiêu dùng toàn cầu, tương đương hơn 31 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đến năm 2028, phụ nữ khắp thế giới được dự báo sẽ nắm giữ 75% chi tiêu tùy ý. Đặc biệt ở Đông Nam Á, phụ nữ thường chịu trách nhiệm phần lớn chuyện mua sắm trong nhà.
Tôi tin rằng ở phụ nữ có một số đặc điểm về mặt tài chính, chẳng hạn như mức độ chấp nhận rủi ro, sự bình tĩnh và mong muốn rạch ròi, chỉn chu trong quản lý tài chính, giúp họ đưa ra quyết định khôn ngoan hơn. Vì vậy, nếu ai đó cho rằng phụ nữ không giỏi tính toán thì nên nghĩ lại.
Còn nói về việc làm chủ doanh nghiệp, thậm chí phụ nữ cũng chứng tỏ họ vượt trội hơn đàn ông. Doanh nghiệp do phụ nữ điều hành thường mang lại doanh thu cao hơn và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Theo một báo cáo của Boston Consulting Group (BCG), mặc dù phụ nữ gặp hạn chế về tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp do họ làm chủ có doanh thu cao hơn, tỷ suất hoàn vốn đầu tư vào công ty của phụ nữ cao gấp đôi so với doanh nghiệp nam làm chủ.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự khác biệt này. Một nghiên cứu của Đại học Baylor cho thấy nữ doanh nhân tỏ ra tự chủ hơn, tích cực hơn, quyết liệt hơn, thấu hiểu lẽ thường hơn, tư duy phản biện tốt hơn và quyết tâm theo đuổi thành công mãnh liệt hơn. Những lý do khác mang tính chất giới tính, chẳng hạn như phụ nữ thường cởi mở và chịu hợp tác hơn đàn ông, cũng giải thích vì sao họ vượt trội hơn so với doanh nhân nam.
Nếu còn hoài nghi, hãy nhìn vào "Báo cáo Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19" của VCCI. Trong giai đoạn đại dịch, tỷ lệ sa thải người lao động của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn tại các doanh nghiệp do nam giới làm chủ, thể hiện sự bền bỉ, kiên cường trong giai đoạn khủng hoảng. Còn nhiều trường hợp nữ doanh nhân Việt không "ngã tay chèo" trước "sóng lớn", vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh trong khủng hoảng, lại càng khẳng định niềm tin của tôi vào tài năng và sức bền của họ trong kinh doanh.
Ông ấn tượng với những nữ doanh nhân nào?
Tôi nghĩ rằng sẽ thật không công bằng nếu chỉ nhắc đến một nữ doanh nhân. Có rất nhiều nữ doanh nhân hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, tại những thị trường khác nhau. Mọi sự so sánh giữa họ với nhau đều khập khiễng.
Điều duy nhất có thể nói chắc là tất cả nữ doanh nhân đều đáng ngưỡng mộ. Họ đã vượt qua biết bao trở ngại để đạt được ngày hôm nay và trở thành tấm gương tuyệt vời cho những thế hệ lãnh đạo và doanh nhân nữ trong tương lai. Họ cho thấy họ là những người phụ nữ rất có năng lực, có động lực và khả năng thúc đẩy hiệu suất cho tổ chức trong khi vẫn giữ được sự thấu cảm, tính khiêm nhường và tinh thần sẵn sàng hợp tác.
Từ những quan sát của mình về các nữ doanh nhân, ông có thể khái quát đâu là yếu tố giúp họ thành công?
Họ không có cung cách kiêu căng, ngạo mạn thường thấy ở một số doanh nhân nam. Họ sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng học hỏi và sẵn sàng mang cả đội ngũ đi theo. Họ cũng có một khả năng phi thường trong xây dựng tinh thần tập thể và kiến tạo môi trường mang tính hợp tác hơn là cạnh tranh nhằm giúp đội ngũ của họ phát huy tối đa năng lực.
Theo ông, có nhiều sự khác biệt trong các thế hệ nữ doanh nhân qua từng thời kỳ? Và những khác biệt đó được thể hiện như thế nào?
Mỗi thế hệ lại có định nghĩa riêng thế nào là viên mãn, thế nào là thành công. Phụ nữ ở mỗi thế hệ cũng vậy. Có phụ nữ Gen X Gen Y định nghĩa thành công là chăm sóc con cái, nhà cửa và họ sẵn sàng từ bỏ công việc để dành toàn bộ thời gian để làm mẹ và làm nội trợ. Họ cảm thấy tự hào và hài lòng khi đi đến quyết định như vậy.
Tôi tin rằng một thế mạnh điển hình của lãnh đạo nữ chính là tinh thần sẵn sàng lắng nghe ý kiến mọi người xung quanh, "đọc vị" thị trường và sẵn sàng đưa ra những thay đổi cần thiết để thích nghi, duy trì vị thế cạnh tranh trong bối cảnh không ngừng thay đổi. Có những thứ áp dụng được trước đây chưa chắc còn dùng được ngày nay.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam
Trong khi đó, có phụ nữ thuộc thế hệ Millenials lại thích được động lập về tài chính, vừa có sự nghiệp viên mãn, vừa có thể nuôi dạy con cái. Tất cả các mục tiêu này đều quan trọng như nhau trong định nghĩa về thành công của họ.
Và rồi những phụ nữ Gen Z, họ là thế hệ phụ nữ đa dạng và được tiếp cận giáo dục tốt nhất trong lịch sử. Gen Z nói chung không mơ một công việc công sở hoàn hảo, 50% thế hệ này khát khao tìm kiếm sự viên mãn bên ngoài môi trường công sở. Chúng ta có khả năng sẽ chứng kiến nhiều nữ giới Gen Z theo đuổi sự nghiệp làm chủ doanh nghiệp.
Mỗi thế hệ một hoài bão khác nhau dẫn đến cách họ ra quyết định cũng như phong cách làm lãnh đạo sẽ khác nhau, từ đó, cách họ dẫn dắt doanh nghiệp cũng không giống nhau. Điều đó giúp thế giới của nữ doanh nhân trở nên đa sắc màu hơn.
Mỗi thế hệ mang một bản sắc riêng so với thế hệ trước. Giới tính nào cũng vậy, bởi hoàn cảnh thay đổi, môi trường khác đi và bối cảnh cạnh tranh cũng biến động chứ không đứng yên. Thêm vào đó, thị hiếu người tiêu dùng cũng thay đổi qua từng thời kỳ, cùng với đó là những đổi mới do tiến bộ công nghệ mang lại và vì thế, rõ ràng, phong cách lãnh đạo cũng cần thay đổi và thích nghi.
Hiện nay, phụ nữ có nhiều cơ hội trở thành lãnh đạo của các doanh nghiệp. Theo ông, Việt Nam cần tạo thêm điều kiện, sự hỗ trợ nào để tiếp sức cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ? Và HSBC có kế hoạch hỗ trợ việc này không?
Một phân tích khác của BCG cho thấy nếu phụ nữ và đàn ông cùng được trao cơ hội làm chủ doanh nghiệp như nhau, tổng GDP toàn cầu có thể tăng thêm gần 3% lên 6%, giúp kinh tế toàn cầu tăng thêm 2,5 nghìn tỷ USD lên 5 nghìn tỷ USD. Để khai mở cơ hội khổng lồ này, chúng ta cần khai phóng sức mạnh của các nữ doanh nhân. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi nỗ lực chung từ trên xuống dưới.
Việt Nam đã thông qua chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn 2021-2030 từ năm 2022, đặt ra mục tiêu tới năm 2025, tỷ lệ nữ giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025, tăng lên 30% vào năm 2030.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này, chính phủ đang làm tốt việc hỗ trợ phụ nữ trong kinh doanh, giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp do nữ làm chủ qua thời gian. Theo Sách Trắng của ADB về doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2021, doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, cũng theo kịp các quốc gia trong khu vực như Singapore (24%), Thái Lan (23%), Indonesia (21%) hay những nền kinh tế phát triển trên thế giới như Pháp (24%) và Thụy Điển (20%). Thêm nữa, 51% doanh nghiệp của Việt Nam có nữ giới trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn các nước khác.
Như đã nói ở trên, môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung đã tạo điều kiện cho phụ nữ. Bản thân việc nữ tham gia vào kinh doanh đã là một truyền thống lâu đời và địa vị pháp lý nam nữ không mấy chênh lệch.
Mặc dù vậy, phụ nữ vẫn gặp một số khó khăn nhất định trong kinh doanh. Doanh nghiệp của nữ giới cần vốn để phát triển nhưng tài chính thường được nhắc đến như một rào cản chính níu chân họ lại. Một báo cáo của IFC năm 2017 cho thấy 37% doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ tiếp cận được các khoản vay từ ngân hàng trong giai đoạn 2015-2016, tỷ lệ này ở nam là 47%. Ngay cả khi nữ doanh nhân thỏa điều kiện vay vốn ngân hàng, họ thường nhận được ít hơn số vốn họ đề nghị ban đầu và thấp hơn khoản vay nam giới nhận được.
Ở cấp độ doanh nghiệp, chúng ta cần hỗ trợ phụ nữ bằng cách tạo điều kiện cho họ tiếp cận các cơ hội đào tạo và phát triển sự nghiệp dưới mọi hình thức giúp họ phát huy được hết tiềm năng. Một xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là các doanh nghiệp xây dựng lực lượng lao động cũng như đội ngũ lãnh đạo cân bằng giới tính hơn.
Trở thành một tổ chức có tính hòa nhập không chỉ đơn thuần vì bình đẳng giới, không chỉ bởi đây là một việc tốt nên làm hay người người nhà nhà đều đang triển khai, không chỉ để có dữ liệu đưa vào báo cáo ESG. Sự đa dạng giới tính trong các vị trí cao cấp có thể giúp thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao năng suất và cải thiện kết quả kinh doanh cho chính tổ chức đó.
Năm 2018, HSBC Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 30% nữ giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp vào vào năm 2020. Thực tế chúng tôi đã vượt chỉ tiêu, đạt được 30,3%. Chúng tôi tiếp tục nâng chỉ tiêu đạt 35% vào năm 2025 và hiện tại vẫn đang đi đúng tiến độ hướng đến mục tiêu này. Tính đến cuối tháng 12/2023, tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao của ngân hàng đạt 29%. Chúng tôi trao cho các đồng nghiệp nữ cơ hội và nguồn lực to lớn để họ thăng hoa trong sự nghiệp.
HSBC có Mạng lưới Cân bằng Toàn cầu (Global Balance Network), một trong những mạng lưới toàn cầu rộng lớn nhất trong các nhóm có nguồn lực từ nhân viên, để thúc đẩy cân bằng giới tính, bình đẳng giới cũng như đa dạng và hòa nhập trên toàn Tập đoàn. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ phụ nữ trong tổ chức của mình, HSBC còn đồng hành cùng nữ giới trong cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động.
Chẳng hạn, chúng tôi hợp tác cùng Quỹ VinaCapital trong dự án "Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh Mở đường đến Tương lai" từ năm 2021 nhằm tạo điều kiện phát triển cho nữ sinh dân tộc thiểu số thông qua trang bị cho các em nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn các kiến thức quan trọng về tài chính, từ đó giúp tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào nền kinh tế Việt Nam.