Tổng Giám đốc IAEA đề nghị đến Chernobyl bàn an ninh hạt nhân Ukraine
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết ông đã thông báo cho cả phía Nga và Ukraine về việc sẵn sàng đến Chernobyl càng sớm càng tốt. Hiện 2 nước đang cân nhắc đề nghị trên.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 4.3 đã đề nghị đến Chernobyl để đối thoại với Nga và Ukraine về việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine.
Động thái trên được đưa ra vài giờ sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở tòa nhà 5 tầng được dùng làm cơ sở đào tạo tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - một trong những nhà máy điện lớn nhất châu Âu.
Phát biểu với báo giới, ông Grossi cho biết ông đã thông báo cho cả phía Nga và Ukraine về việc sẵn sàng đến Chernobyl càng sớm càng tốt. Hiện 2 nước đang cân nhắc đề nghị trên.
Từ ngày 24.2, Nga kiểm soát khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong khi các nhân viên Ukraine tiếp tục vận hành các cơ sở hạt nhân.
Nhà máy là nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, cách thủ đô Kiev khoảng 100km về phía Bắc.
Theo Tổng Giám đốc IAEA, mục đích của chuyến thăm này là nhằm thảo luận với Nga và Ukraine về một khuôn khổ bảo đảm an ninh và hoạt động của các cơ sở hạt nhân của Ukraine.
Chuyến đi sẽ diễn ra sau khi ông trở về từ Tehran ngày 5.3.
Đề cập tới vụ hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia, Tổng Giám đốc IAEA khẳng định không có thiệt hại nào xảy ra tại nhà máy điện này sau khi một tòa nhà gần đó trúng đạn pháo.
Trước đó, giới chức Ukraine thông báo vụ hỏa hoạn xảy ra sau một hoạt động quân sự. Không có sự thay đổi về mức độ phóng xạ và các trang thiết bị “thiết yếu” không bị ảnh hưởng sau vụ cháy. Nhân viên nhà máy đang triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại.
Về phía Nga, đài Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết vụ hỏa hoạn đã được dập tắt và nhà máy Zaporizhzhia đang hoạt động bình thường, mức độ phóng xạ cũng ở ngưỡng bình thường.
Cũng theo quan chức này, có vẻ như Kiev đã có những động thái nhằm cáo buộc Moskva gây ra nguồn ô nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Anh đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nằm ở Đông Nam Ukraine.
Theo IAEA, đây là nhà máy hạt nhân có quy mô lớn nhất châu Âu, với 6 trên tổng số 15 lò phản ứng năng lượng hạt nhân của Ukraine.
Nhà máy có thể sản xuất điện năng đạt từ 40 tỷ đến 42 tỷ kWh, chiếm 20% sản lượng điện trung bình hằng năm ở Ukraine và gần 47% sản lượng điện do các nhà máy điện hạt nhân tại nước này tạo ra.
Ngọc Hà
Tổng thống Ukraine kêu gọi người Nga phản đối vụ chiếm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
Hôm 4.3, các nhà chức trách Ukraine cho biết một tòa nhà tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bốc cháy dữ dội trong khi giao tranh, gây ra lo ngại về một thảm họa hạt nhân tiềm tàng. Ngọn lửa sau đó đã được dập tắt.
"Người dân Nga, tôi muốn kêu gọi các bạn: Làm sao điều này có thể xảy ra được? Sau tất cả, chúng ta đã cùng nhau chiến đấu vào năm 1986 để chống lại thảm họa Chernobyl", ông Volodymyr Zelenskiy nói trong một bài phát biểu trên truyền hình, gợi lại ký ức về thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.
"Bạn phải xuống đường và nói rằng bạn muốn sống, bạn muốn sống trên trái đất không bị ô nhiễm phóng xạ. Phóng xạ không biết Nga ở đâu, phóng xạ không biết biên giới nước bạn ở đâu", Tổng thống Ukraine nói thêm.
Bộ Quốc phòng Nga quy trách nhiệm vụ tấn công tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là do những kẻ phá hoại Ukraine, gọi đây là hành động khiêu khích quái dị.
Các lực lượng Nga tấn công Ukraine tuần trước chiếm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động ở phía bắc Kyiv, Ukraine, nơi đã phun chất thải phóng xạ ra phần lớn châu Âu sau một vụ tai nạn ở đó vào tháng 4.1986.
Các nhà phân tích cho rằng nhà máy Zaporizhzhia an toàn hơn, nhưng ông Volodymyr Zelenskiy nói bây giờ không phải là lúc để im lặng.
Tổng thống Ukraine nói: “Bạn phải nhớ đến than chì cháy rải rác từ vụ nổ và các nạn nhân. Bạn phải nhớ ánh sáng rực rỡ trên thiết bị điện bị phá hủy, các cuộc di tản. Làm sao bạn có thể quên được điều đó? Nếu chưa quên, bạn không nên im lặng".
Sáng 4.3, hãng tin Reuters dẫn thông báo của chính quyền thành phố Energodar, Ukraine cho biết lực lượng quân sự Nga đã chiếm quyền kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia.
Giới chức thành phố Energodar cho biết các nỗ lực nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn cho nhà máy đang được triển khai.
Trước đó, ông Dmytro Orlov, Thị trưởng thành phố Energodar, nói hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà máy Zaporizhzhia.
Ngoại trưởng Ukraine - Dmytro Kuleba cáo buộc quân đội Nga khai hỏa từ mọi hướng quanh nhà máy Zaporizhzhia. Đám cháy đã được khống chế và không ai bị thương sau vụ việc. "Nếu phát nổ, nhà máy sẽ gây ra vụ nổ lớn gấp 10 lần Chernobyl! Lực lượng Nga hãy lập tức ngừng bắn, cho phép lực lượng cứu hỏa thiết lập một vùng an ninh", ông Dmytro Kuleba cảnh báo.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đã nắm được thông tin liên quan đến các vụ pháo kích nhắm vào nhà máy Zaporizhzhia và đang thảo luận tình hình với giới chức Ukraine. Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc IAEA, kêu gọi ngừng xung đột ở khu vực thành phố Enerhodar ngay lập tức và các lực lượng quân sự tại đây tránh các hành động leo thang gần khu vực nhà máy Zaporizhzhia. IAEA cho biết mức độ phóng xạ tại nhà máy vẫn ở mức bình thường sau vụ hỏa hoạn.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine và cũng là lớn nhất ở châu Âu, nằm ở phía Bắc Crimea. Chiến sự có thể đã ảnh hưởng tới sản lượng điện của các nhà máy hạt nhân ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã trao đổi với Tổng thống Ukraina - Volodymyr Zelensky về tình hình liên quan đến nhà máy Zaporizhzhia, kêu gọi Nga ngừng các hoạt động quân sự trong khu vực, cho phép lực lượng cứu hỏa và ứng cứu khẩn cấp tiếp cận.
"Châu Âu phải thức tỉnh. Xe tăng của Nga đang bắn vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Nếu có một vụ nổ, đó là sự kết thúc của châu Âu. Chỉ những hành động khẩn cấp của châu Âu mới có thể ngăn chặn quân đội Nga", ông Volodymyr Zelensky nói.
Rafael Mariano Grossi cũng đã nói chuyện với các nhà chức trách Ukraine và cảnh báo về nguy cơ nghiêm trọng nếu các lò phản ứng bị tấn công.
Thảm họa hạt nhân lớn nhất thế giới từng xảy ra ở nhà máy Chernobyl vào tháng 4.1986. Trước những nguy cơ có thể xảy ra khi Nga bao vây và giành kiểm soát các cơ sở hạt nhân, Ukraine đã kêu gọi IAEA tuyên bố vùng an toàn 30 km xung quanh 4 nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Sơn Vân (Theo Một Thế Giới)