Tổng Giám đốc Nước sạch sông Đà: Mùi vị nước sinh hoạt nhiễm dầu thải vẫn… bình thường (?!)
Trước hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch khi hàng ngàn hộ dân phải dùng nước sinh hoạt không đảm bảo; vì sao không dừng cấp nước ngay khi phát hiện dầu loang; liệu người dân trong vùng bị ảnh hưởng có được bồi thường, thay vì trả lời thẳng vào vấn đề, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) vẫn quanh co, bao biện.
Kết quả xét nghiệm nước bình thường (?!)
Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay (15/10), ông Nguyễn Văn Tốn cho hay sau khi phát hiện dầu thải chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài, Công ty đã huy động toàn bộ CBNCV cùng người dân quây, vớt dầu. Đến ngày 10/10, khi người dân phản ánh nước có mùi , Công ty đã súc rửa bể chứa, xả toàn bộ tuyến ống.
Khi bị truy vấn về việc không thông báo cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện sự việc, ông Tốn giải thích đã có công văn báo cáo công an và tỉnh Hòa Bình, vì địa bàn của Viwasupco thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.
Ông Tốn cho biết, sự việc được phát hiện lúc 9h ngày 9/10, Viwasupco đã dùng phao chuyên dụng quây không cho dầu lan ra mặt hồ. Sau đó tiến hành vớt, dùng hút dầu chuyên dụng, để cô lập dầu tràn và tránh ô nhiễm nguồn nước.
Viwasupco cũng đã cho xét nghiệm nước và kết quả cho thấy mùi vị vẫn bình thường, nên tiếp tục cho sản xuất.
"Đêm 9/10, Công ty đã súc xả tuyến ống khoảng 10km và bể tràn, bể chứa. Sau đó đến ngày 10/10 Công ty nhận được phản ánh của khách hàng về hiện tượng nước có mùi khét, nên đã cho kiểm tra ở phòng thí nghiệm và cho thấy nước nhà máy vẫn đảm bảo, còn mùi có thể là mùi Clo.
"Ngày 11/10, liên ngành lên kiểm tra, trên nhà máy cũng có mùi", ông Tốn tiếp tục loanh quanh, khiến người dự càng thêm bức xúc.
Lời xin lỗi dưới sức ép truy vấn
Trước câu hỏi của báo chí về việc biết nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân tại Hà Nội bị ô nhiễm mà Công ty vẫn không thông tin chính thức, không dừng cấp nước, ông Tốn lý giải: "Thực ra lúc bấy giờ thâm tâm của tôi 80% là dừng cấp nước, vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề. Chúng tôi cũng là nạn nhân, chứ tôi không bao giờ lấy tính mạng người dân để kinh doanh."
Cư dân tổ hợp chung cư HH Linh Đàm lấy nước sinh hoạt từ xe téc do những ngày qua nước sông Đà không đảm bảo chất lượng.
"Công ty đã tham khảo chuyên gia và cũng nhận được phản biện là nếu tạm dừng sản xuất thì phải có lý do gì để cắt nước. Nếu bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu, trong khi đó kết quả kiểm tra nội hàm vẫn đảm bảo” - ông Tốn nói.
Giãi bày những điều này, đại diện nhà máy nước đang cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân khu vực Tây Nam Hà Nội mong nhận được sự thông cảm vì “Công ty không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết”.
Về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp trước sức khỏe của hàng ngàn hộ dân mà báo chí đặt ra, thậm chí, đã có ý kiến cho rằng ông Tốn nên từ chức, khi đó, ông Tốn mới nói lời xin lỗi và cho biết, Công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm.
Nói thêm về vị trí đang đảm nhiêm, ông Tốn giãi bày: “Thực ra bản thân tôi cũng là Tổng giám đốc làm thuê. Nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn, quá hay. Nhưng tôi có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân, không vì cái gì hết”.
Không chỉ Viwasupco lẩn tránh các câu hỏi của phóng viên báo chí, mà rất nhiều câu hỏi truy vấn trách nhiệm của Sở Xây dựng, UBND TP. Hà Nội trong việc vào cuộc chưa quyết liệt, thông tin chưa kịp thời và không sớm có phương án hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong vùng bị ảnh hưởng ...đều bị nhưng người chủ trì buổi họp báo né tránh trả lời.