Tổng giám đốc WHO: Nếu không đủ vắc xin COVID-19, virus sẽ trú ẩn ở một nơi nào đó và tấn công trở lại

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, nếu loại virus gây bệnh COVID-19 không bị đánh bại ở mọi nơi, chúng ta không thể đánh bại nó trên toàn cầu. Virus sẽ có một nơi trú ẩn an toàn ở đâu đó và có thể tấn công trở lại.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã yêu cầu các nước giàu cân nhắc trước khi đặt hàng các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 bởi hành động này có thể làm suy yếu kế hoạch đảm bảo công bằng vắc xin toàn cầu COVAX mà các nước nghèo đang trông đợi. Họ thậm chí có thể phá hoại COVAX, khiến các nước nghèo bị giảm số liều có thể được nhận.

Các quốc gia giàu có đã mua vài tỷ liều vắc xin. Một số nước đã đặt hàng số liều vắc xin đủ để tiêm chủng cho gấp nhiều lần số dân của họ, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới khác, nhất là các nước đang phát triển có rất ít hoặc không có vắc xin.

Một chiến dịch tiêm chủng thành công trên toàn cầu - chìa khóa để ngăn chặn đại dịch.

Theo Tổng giám đốc WHO, dù COVAX nhận được nhiều sự quyên góp từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Đức, nhưng số tiền khổng lồ đó sẽ vô giá trị khi không còn vắc xin để mua. Đến nay EU đang xem xét sẽ chia sẻ một số lượng vắc xin của họ cho COVAX để tiêm cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên toàn cầu, tuy nhiên EU không nêu rõ thời điểm nào sẽ thực hiện điều này.

Tại cuộc họp của Nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Các nhà lãnh đạo G7 thống nhất sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai vắc xin trên toàn cầu, đồng thời hỗ trợ “khả năng tiếp cận vắc xin hợp lý và bình đẳng”, chia sẻ các phương pháp điều trị COVID-19.

G7 đã hỗ trợ 7,5 tỷ USD trong một nỗ lực ủng hộ cho cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19 do Liên Hợp Quốc đứng đầu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảm ơn các nước G7 về những cam kết “quan trọng” của họ. Tuy nhiên sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng “ngay cả khi bạn có tiền, nếu bạn không thể dùng tiền để mua vắc xin… thì tiền cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Người đứng đầu WHO cho biết, cách tiếp cận của một số nước giàu với các nhà sản xuất để đảm bảo nhiều vắc xin hơn đang “ảnh hưởng đến các thỏa thuận với COVAX, và thậm chí số tiền được phân bổ cho COVAX đã bị giảm vì điều này”. Ông không nêu tên các quốc gia cụ thể hoặc đưa ra các chi tiết khác.

Ông Tedros nói thêm rằng, các nước giàu cần “hợp tác để tôn trọng các thỏa thuận mà COVAX đã đảm bảo” và trước khi họ tìm kiếm thêm nguồn vắc xin, những nước giàu cần đảm bảo rằng các yêu cầu của họ không làm suy yếu các thỏa thuận đó.

Chia sể về việc tiêm chủng vắc xin COVID-19, lãnh đạo WHO cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ mỗi người không chỉ là tiêm phòng cho người đó, mà là tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới.

“Nếu loại virus này không bị đánh bại ở mọi nơi, chúng ta không thể đánh bại nó trên toàn cầu. Virus sẽ có một nơi trú ẩn an toàn ở đâu đó và có thể tấn công trở lại, ” ông Tedros bày tỏ và nói thêm rằng các quốc gia bị tụt hậu trong việc tiêm chủng cũng có thể trở thành “ nơi sản sinh các biến thể mới ”.

Kêu gọi gia tăng sản lượng vắc xin

Tổng giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng mọi cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất vắc xin bởi vì: “với việc tăng sản lượng, miếng bánh sẽ tăng lên, khi đó sẽ có một số lượng nhiều hơn để chia sẻ cho mọi người”. Ông Tedros cảnh báo: “Nếu không, với sự thiếu hụt vắc xin, việc chia sẻ là rất khó khăn.. Và đây chính xác là những gì đang xảy ra."

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận rằng chỉ có tiền không phải là giải pháp, đồng thời nói thêm rằng vắc xin vẫn là một “mặt hàng khan hiếm”. Người đứng đầu nước Đức nói thêm rằng việc phân phát vắc xin, xét nghiệm và thuốc men trong đại dịch là một "phép thử cho sự đoàn kết toàn cầu".

Những ngày gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các quốc gia giàu có tài trợ 4-5% kho vắc xin của họ cho các nước đang phát triển ở châu Phi càng nhanh càng tốt.

Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên là một trong những khu vực mà các nhà lãnh đạo gặp áp lực lớn do chương trình tiêm chủng khởi động chậm chạp. Khối này đã đạt được các thỏa thuận vào tuần trước mua hàng triệu liều vắc xin bổ sung.

Hải Yến

(Theo Al Jazeera)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tong-giam-doc-who-neu-khong-du-vaccine-covid-19-virus-se-tru-an-o-mot-noi-nao-do-va-tan-cong-tro-lai-n187243.html