Tông hàng loạt xe tại cây xăng: Nạn nhân bị thương nhẹ có khởi tố bị can?
Vụ tông hàng loạt xe tại cây xăng tại Hà Nội, qua giám định thương tích, có 6 người còn bị thương tích khoảng 6 - 7%. Qua sự việc này, dư luận đặt câu hỏi nạn nhân bị thương nhẹ tài xế có bị khởi tố?
Hiện, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đang củng cố hồ sơ, xử lý tài xế Ngô Công Hán (SN 1987, quê Bắc Ninh; hiện trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) - người gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 8 người bị thương ở cây xăng đường Láng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) xảy ra vào tối 12/8.
Công an quận Đống Đa cho biết thêm, tới thời điểm hiện tại, sức khỏe của các nạn nhân đã cơ bản ổn định. Qua giám định thương tích, 2 người bị thương nhẹ, 6 người còn lại có thương tích khoảng 6 - 7%. Tài xế Hán đã đầu thú và khai nhận bản thân trước khi gây ra vụ tai nạn giao thông đã uống bia ở 540 đường Láng. Qua kiểm tra, lực lượng Công an xác định người này đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/lít khí thở.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, qua thông tin bước đầu từ phía cơ quan chức năng, người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/1l khí thở, đây là nồng độ cồn vượt quá mức cao nhất mà pháp luật quy định ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của người tham gia giao thông, có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Bởi vậy, việc xác định yếu tố lỗi (không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát) và vi phạm nồng độ cồn trong trường hợp này là tương đối rõ, vấn đề còn lại là hậu quả có nghiêm trọng hay không?.
Luật sư Hùng cho biết thêm, pháp luật quy định cấm lái xe sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Việc tài xế Hán sử dụng rượu bia trước khi lái xe, gây tai nạn khiến hàng loạt phương tiện, đồ dùng hư hỏng, làm 8 người bị thương, trong đó 5 người bị thương nặng, là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có nhiều quy định và mức phạt cụ thể, nhiều người đã bị phạt với mức cao, bị tước giấy phép lái xe thời hạn dài...
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn giao thông gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong, thương tích từ 61 % trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên, người điều khiển phương tiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Hùng, qua giám định thương tích, 2 người bị thương nhẹ, 6 người còn lại có thương tích khoảng 6 - 7%, như vậy tài xế Hán vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự đối với thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên. Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm và người gây tai nạn còn vi phạm nồng độ cồn thì hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự sẽ là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù.
Trường hợp người vi phạm có sử dụng rượu bia, chất kích thích; gây thương tích cho từ 2 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương 122-200% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng, khung hình phạt áp dụng sẽ là 3-10 năm tù. Trường hợp tổng tỷ lệ thương tật của các nạn nhân từ 201% trở lên hoặc thiệt hại tài sản trên 1,5 tỷ đồng, khung hình phạt dành cho người vi phạm sẽ là 7-15 năm tù.
Như vậy, với việc gây tai nạn trong tình trạng nồng độ cồn trong máu cao gấp 2,25 lần mức tối đa theo Nghị định 100, tài xế Hán có thể đối diện khung hình phạt 3-10 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Trường hợp tổng kết quả giám định thương tật của các nạn nhân trên 201% hoặc tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng, mức án tối đa tài xế này đối diện sẽ là 15 năm tù.
Dưới góc độ dân sự, luật sư Hùng cho hay, với việc đã xâm phạm tới sức khỏe và tài sản của người khác, tài xế này có trách nhiệm bồi thường cho những người bị thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, đối với các phương tiện và tài sản cây xăng bị hư hỏng, mức bồi thường sẽ bao gồm giá trị tài sản bị mất, hủy hoại hoặc hư hỏng; chi phí cho lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút và chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại.
Đối với những nạn nhân có sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường sẽ gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bệnh nhân cùng các khoản bồi thường khác do luật định.
Hiện vụ tông hàng loạt xe tại cây xăng ở Hà Nội đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Xem thêm video: Đồng Tháp: Va chạm với ô tô khách, người lái xe mô tô tử vong