Tổng hợp 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2024
Năm 2024 đánh dấu những biến động sâu sắc trong bức tranh toàn cảnh thế giới, và 10 sự kiện dưới đây không chỉ góp phần định hình cục diện quan hệ quốc tế, mà còn đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho hợp tác toàn cầu.
1. Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ
Đánh bại ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris với số phiếu áp đảo tại 7 bang chiến địa, ông Donald Trump thiết lập màn tái xuất hoành tráng với sự ủng hộ của đông đảo người dân xứ cờ hoa, cùng kỳ vọng nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo sẽ vực dậy cơ đồ và vị thế nước Mỹ thời kỳ hậu đại dịch. Do đó, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dự báo mang lại những tác động đáng kể đối với thế giới, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống đắc cử sẽ góp phần tái định hình quan hệ với Trung Quốc, dẫn đến khả năng duy trì hoặc gia tăng cạnh tranh chiến lược, đặc biệt trong thương mại, công nghệ và an ninh khu vực. Đồng thời, chính sách cứng rắn của ông Trump với NATO và đồng minh có thể khiến các quốc gia châu Âu gia tăng tự chủ quốc phòng, dẫn đến những thay đổi lớn trong cấu trúc an ninh khu vực và tạo ra chuyển biến khó lường với cục diện xung đột Nga-Ukraine.
2. Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Tình hình chiến sự Nga-Ukraine năm 2025 có khả năng kéo dài trong trạng thái giằng co nếu không có một giải pháp hòa bình bền vững. Nga có thể duy trì chiến thuật kiểm soát cục bộ ở các khu vực chiến lược tại miền Đông Ukraine, nhằm tạo áp lực lâu dài và đạt được các mục tiêu địa chính trị. Về phía Ukraine, sự hỗ trợ quân sự từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, sẽ giúp duy trì khả năng phòng thủ và thậm chí mở rộng các chiến dịch phản công trong một số khu vực chiến lược.
Năm 2024 chứng kiến nhiều đột phá quan trọng trong sáng kiến hòa giải với cuộc xung đột tại Đông Âu, dưới sự dẫn dắt của Liên hợp quốc và các quốc gia trung gian có ảnh hưởng. Năm tới, các cuộc đàm phán hòa bình sẽ tiếp tục phụ thuộc vào thiện chí của cả hai bên và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nếu không bên nào sẵn sàng nhượng bộ, xung đột có thể tiếp tục kéo dài, gia tăng thêm bất ổn tại khu vực và trên thế giới.
4. Chiến sự Israel-Hamas lan rộng
Năm 2024, căng thẳng tại Dải Gaza tiếp tục leo thang, với các trận đánh ác liệt diễn ra hàng ngày. Quân đội Israel tiến hành các cuộc tấn công không chỉ vào các cơ sở quân sự mà còn vào khu vực dân cư, trong khi Hamas tiếp tục phóng tên lửa vào các thành phố lớn của Israel, làm tăng thiệt hại về người và tài sản. Đáng chú ý, lực lượng Hezbollah ở Lebanon đang tăng cường “chia lửa” với người Palestine trong cuộc đối đầu với Tel Aviv, gieo rắc nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào cuộc xung đột quy mô lớn hơn.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc chiến này là tình hình nhân đạo tại Gaza, vốn bị phong tỏa và hứng chịu bom đạn khốc liệt. Hàng triệu người dân Palestine đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men, trong khi bệnh viện và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực và cung cấp viện trợ nhân đạo, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện triệt để.
4. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ
Trong vòng chưa đầy 2 tuần sau khi lực lượng đối lập mở lại các cuộc tấn công quy mô lớn, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ chóng vánh. Lý giải nguyên nhân cho thế cờ bất ngờ này, nhiều nhà phân tích cho rằng, sự sa sút trong nội bộ quân đội Syria, cùng với sự bỏ mặc từ đồng minh Nga và Iran, đã tạo thời điểm chín muồi giúp lực lượng đối lập tận dụng cơ hội lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Nỗi quan ngại gia tăng khi sự kiện này có thể mở đầu cho sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan như Al-Qaeda và IS, tận dụng sự hỗn loạn để mở rộng phạm vi hoạt động, gia tăng cường độ phá hoại và gây mất an ninh khu vực, gây ra mối đe dọa với các quốc gia vùng Vịnh. Ngoài ra, sự việc có thể khơi mào cho làn sóng tị nạn mới, gây áp lực lên các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và khiến các nước châu Âu chịu vạ lây, vốn đang đau đầu giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp.
5. Vụ ban bố thiết quân luật bất thành tại Hàn Quốc
Vụ ban bố thiết quân luật bất thành tại Hàn Quốc phản ánh sóng ngầm mâu thuẫn từ lâu trong lòng chính quyền Seoul, giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và Đảng Dân chủ (DP) đối lập, liên quan tới nhiều rào cản tại Quốc hội trong các vấn đề về ngân sách, quản lý nhà nước, luật pháp, cải cách thuế… khiến ông Yoon Suk Yeol không thể hiện thực hóa các cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Với những gì đã diễn ra, Tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối mặt với áp lực rất lớn và phải đứng trước 2 lựa chọn nghiệt ngã mà phe đối lập đặt ra cho ông: Từ chức hoặc chịu luận tội. Liệu Seoul có thể sớm ổn định chính trường sau sự kiện này không, phụ thuộc vào khả năng của chính phủ trong việc xác định đúng trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như gây dựng lại đồng thuận xã hội và niềm tin công chúng.
6. Bước tiến lịch sử tại Hội nghị COP29
Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh thế giới năm 2024 chứng kiến hàng loạt thảm họa thời tiết khắc nghiệt, với nhiệt độ toàn cầu dự báo lập kỷ lục mới, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các nước và sinh kế của người dân. Điều này đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương, mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động để đạt được mục tiêu đề ra trong thỏa thuận Paris.
Một trong những thỏa thuận quan trọng thông qua tại Hội nghị là Mục tiêu tài chính Baku. Theo đó, các nước phát triển cam kết huy động ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển vào năm 2035. Thỏa thuận đánh dấu một bước quan trọng trong việc hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Một thành tựu nổi bật khác tại COP29 chính là việc mở khóa cho thị trường carbon toàn cầu theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, giúp các bên tháo gỡ nút thắt trong nhiều năm và hoàn thiện mục tiêu cuối cùng của Thỏa thuận Paris.
7. Kinh tế toàn cầu “vượt khó”
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể đạt 3,2% GDP. Tốc độ tăng trưởng hiện tại tương đương với giai đoạn tiền đại dịch Covid-19 và vượt đáng kể so với dự báo từ một năm trước. Theo đó, các nền kinh tế phát triển dự kiến có sự tăng tốc nhẹ từ 1,6% GDP năm 2023 lên 1,7% GDP năm 2024 và 1,8% GDP năm 2025.
Song tình hình kinh tế thế giới vẫn đối mặt nhiều thách thức và rủi ro đáng kể. Chính sách tài chính, tiền tệ nhìn chung vẫn thắt chặt ở nhiều quốc gia, tạo áp lực lên chi phí vay và tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Xung đột địa chính trị, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Trung Đông, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường năng lượng toàn cầu. Đồng thời, xu hướng phân mảnh thị trường và công nghệ thế giới ngày càng rõ rệt. Những yếu tố này tạo ra một bức tranh kinh tế thế giới đầy thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược linh hoạt và thích ứng để duy trì tăng trưởng bền vững trong bối cảnh mới.
8. Nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI
Ngày 21/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết trên do Mỹ bảo trợ, với sự đồng thuận của hơn 120 nước thành viên và không cần bỏ phiếu. Đại hội đồng nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong quá trình thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
LHQ đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và các bên liên quan "kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, hay gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền". LHQ cũng hối thúc các nước thành viên, khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và phương tiện truyền thông phát triển và hỗ trợ các phương pháp điều hành và quản trị việc sử dụng AI một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.
9. BRICS mở rộng khối
Khối BRICS, ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã mở rộng thành viên vào ngày 1/1, chào đón thêm các nước gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Với việc kết nạp này, BRICS hiện chiếm gần 46% dân số thế giới và đóng góp khoảng 37,3% GDP toàn cầu, thể hiện tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng.
Song việc BRICS được mở rộng dấy lên nhiều quan ngại, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực Trung Đông - châu Phi có nhiều diễn biến mới với tính phức tạp, bất ổn, bất định gia tăng. Theo đó, Trung Đông - châu Phi có thể trở thành khu vực “trọng tâm” trong cạnh tranh chiến lược nước lớn với sự can dự ngày càng sâu rộng, nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh và tiến trình giải quyết các vấn đề tồn tại từ lâu như xung đột Israel-Palestine, chương trình hạt nhân Iran, chiến sự tại Syria, Libya và khu vực Sahel.
10. Khủng hoảng chính trị Bangladesh
Ngày 5/8, Thủ tướng Sheikh Hasina buộc phải rời Bangladesh trên trực thăng quân sự do các cuộc biểu tình lan rộng, rầm rộ phản đối quyết định tăng hạn ngạch việc làm trong lĩnh vực công và yêu cầu bà Hasina từ chức. Sau đó, quân đội Bangladesh tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời do ông Muhammad Yunus, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Hòa bình, lãnh đạo.
Trong bối cảnh tình hình rối ren và hỗn loạn hiện nay, việc khôi phục trật tự, ổn định chính trị và phục hồi kinh tế là khó khăn với Bangladesh. Theo các chuyên gia, cách duy nhất để đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng hiện nay là bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và sớm chuyển đổi sang một chính phủ được bầu cử dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-hop-10-su-kien-quoc-te-noi-bat-nam-2024-299100.html