Tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri Long An chuyển đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV vào sáng nay (ngày 21/10/2024), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp. Nhiều ý kiến, kiến nghị qua tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu QH tỉnh Long An được tổng hợp gửi đến kỳ họp này.
Trong năm 2024, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng, QH, Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nên tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả trên hầu hết các lĩnh vực; sự đoàn kết, "tương thân, tương ái", tình nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam được vươn lên mạnh mẽ, cùng nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các tầng lớp Nhân dân tin tưởng rằng trong thời gian tới kinh tế - xã hội của đất nước sẽ tiếp tục phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến QH trước Kỳ họp thứ 8 cho thấy đa số cử tri trong tỉnh Long An kiến nghị Trung ương tiếp tục có nhiều giải pháp phòng, chống xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu; có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ nông dân trồng lúa, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nhằm tạo ra sản phẩm lúa chất lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; có những chính sách riêng để hỗ trợ, góp phần nâng cao mức sống cho công nhân, lao động; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62, N2 nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa của các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
- Cử tri kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp, vì quy định hiện nay đất trồng tràm khi chuyển đổi sang cây trồng khác còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; có giải pháp xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là tại các cơ quan công quyền và trong các dự án đầu tư công, để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đồng thời, có giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần hạn chế vấn nạn tham nhũng, tiêu cực.
- Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Cử tri cho rằng, xe đạp điện đang ngày càng phổ biến do tính tiện dụng, dễ điều khiển. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển của loại phương tiện này khá nhanh, trong khi đó hiện nay chưa có quy định về độ tuổi đối với người điều khiển. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, nhất là khi người điều khiển xe đạp điện phần lớn là học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức tham gia giao thông. Kiến nghị cần sớm nghiên cứu, ban hành bổ sung quy định cụ thể về điều kiện điều khiển xe đạp điện, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hạn chế tối đa tai nạn do phương tiện này gây ra.
- Trên lĩnh vực giao thông, vận tải: Cử tri kiến nghị Trung ương sớm đẩy nhanh tiến độ đàm phán để bố trí nguồn vốn đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 và N2 nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa của các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rà soát sửa chữa kịp thời hệ thống đèn chiếu sáng trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua địa bàn tỉnh Long An; mở dãy phân cách và bố trí đèn giao thông tại đoạn giao Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 835B, để người dân thuận tiện đi lại và giao thương buôn bán.
- Lĩnh vực xây dựng: Cử tri cho rằng Đề án phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai trong nhiều năm qua, nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn vẫn còn chậm và chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Việc chậm trễ trong giải ngân đã gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và cung cấp nhà ở xã hội cho người dân có nhu cầu. Cử tri mong muốn Trung ương có lộ trình và giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn để thúc đẩy quá trình giải ngân, đảm bảo Đề án triển khai, thực hiện một cách hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
- Trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Cử tri kiến nghị xem xét có nhiều chính sách hỗ trợ, bảo vệ nông dân trồng lúa, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nhằm tạo ra sản phẩm lúa chất lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
- Trên lĩnh vực công thương: Cử tri kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Vì Dự án này bị đình trệ quá lâu, gây lãng phí rất lớn nguồn lực về đất đai, ngân sách Nhà nước, bức xúc cho người dân nằm trong vùng dự án.
- Trên lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: Cử tri cho rằng mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở, trong khi đời sống của người dân nói chung và công nhân, lao động nói riêng còn nhiều khó khăn do sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp do giảm đơn hàng, dẫn đến việc làm, thu nhập của công nhân chưa trang trải được hết các yêu cầu thiết yếu của cuộc sống. Cử tri kiến nghị Trung ương xem xét ban hành chính sách thiết thực hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho công nhân, lao động; đồng thời, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về nhà ở, thu nhập, cơ sở khám, chữa bệnh và các dịch vụ văn hóa - xã hội cho người lao động, nhằm đảm bảo đời sống và quyền lợi của họ.
Hiện nay, Quyết định số 408/QĐ-BLĐTBXH, ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, trong đó có nội dung: “Trong năm 2017, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đáp ứng các yêu cầu: Đã lập trước ngày 01/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết;…”. Bên cạnh đó, tại Điều 72 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính Phủ quy định về căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sĩ, trong đó quy định cụ thể các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận từ ngày 31/12/1994 trở về trước có liên quan đến trường hợp hy sinh. Thực tiễn hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An, nhiều trường hợp không có giấy tờ liên quan để áp dụng theo Điều 72 nên đến nay những trường hợp trên vẫn chưa được công nhận liệt sĩ (hồ sơ chỉ có 1 hoặc 2 người chứng nhận và biên bản họp hội đồng). Cử tri kiến nghị quan tâm xem xét, sớm có giải pháp khắc phục, giải quyết những trường hợp hy sinh trong chiến tranh mà không còn giấy tờ gốc.
Tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi quy định độ tuổi được hưởng chế độ, chính sách tại Nghị định số 112/2017/NĐ-CP, ngày 06/10/2017 của Chính phủ về quy định chế độ, chính sách đối với Thanh niên xung phong cơ sở ở Miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975 cho phù hợp với thực tế, vì hiện nay có một số trường hợp khi tham gia kháng chiến trong giai đoạn này nằm ngoài độ tuổi quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định này.
- Lĩnh vực nội vụ, xây dựng chính quyền: Cử tri kiến nghị Trung ương cần quan tâm và xem xét bổ sung biên chế cán bộ, công chức cấp xã, nhất là đối với vị trí chuyên viên văn phòng cấp ủy. Vì hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, ngày 01/8/2023 của Chính phủ, vị trí việc làm này không được xếp vào diện công chức chính thức mà chỉ được bố trí là cán bộ bán chuyên trách hoặc công chức kiêm nhiệm. Điều này gây khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi và ổn định công việc cho họ. Do đó, cần có sự điều chỉnh, bổ sung biên chế để đảm bảo sự công bằng, hiệu quả trong công tác quản lý và hoạt động của các cấp ủy địa phương ở cơ sở.
Bên cạnh đó, cử tri cho rằng người cao tuổi ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, nuôi dạy, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu, là người giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại. Đồng thời, họ luôn nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng. Cử tri kiến nghị Trung ương xem xét đưa Hội Người cao tuổi vào hệ thống chính trị các cấp.
- Lĩnh vực thông tin và truyền thông: Hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng sim rác giả danh cơ quan chức năng (cán bộ công an, thông tin truyền thông, nhân viên ngân hàng, người giao hàng,...) nhắn tin, gọi điện thoại cho người dân để yêu cầu, đe dọa, dụ dỗ diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi. Cử tri tiếp tục kiến nghị Trung ương có các giải pháp quản lý sim rác của các nhà cung cấp dịch vụ mạng và kịp thời thông tin, tuyên truyền và ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Trong thời gian gần đây, các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung chưa được kiểm chứng về chất lượng và một số thông tin sai lệch; một số ca sĩ nổi tiếng đăng những hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, gây bất bình và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục ban hành các quy định chặt chẽ hơn để xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trên không gian mạng.
- Lĩnh vực y tế: Từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở tăng, từ đó chi phí khám, chữa bệnh, mức giá đóng bảo hiểm y tế cũng tăng. Cử tri kiến nghị xem xét có quy định riêng, giảm giá mua bảo hiểm y tế đối với lao động tự do, nông dân nông thôn, vì các đối tượng này không thuộc diện được hưởng cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị xem xét đầu tư, thành lập thêm một bệnh viện Chợ Rẫy 2 đặt tại các tỉnh miền Tây, nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, giảm áp lực bệnh nhân cho Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP.HCM./.