Tổng hợp COVID-19 ngày 22/10: Các tỉnh được công bố cấp độ dịch; có 3.985 ca nhiễm mới
Trong ngày 22/10, người dân quan tâm đến các thông tin nổi bật như: Công bố cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành phố; Việt Nam ghi nhận 3.985 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 50 tỉnh, thành phố; doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều lao động khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19; Nam Định mở rộng vùng phong tỏa khi ghi nhận thêm 17 ca mắc mới…
Công bố cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành phố
Bộ Y tế vừa công bố đánh giá cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 26 tỉnh xanh, 37 tỉnh vàng, không có tỉnh cam và đỏ.
Cụ thể, 26 tỉnh, thành phố cấp 1 (bình thường mới), gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bắc Giang; Bắc Kạn; Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
37 tỉnh, thành phố cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Thuế, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
Không có tỉnh, thành cấp 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao); tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện, 98 xã cấp 3; 2 huyện, 37 xã cấp 4. Cả nước có 372 huyện xanh; 6.946 xã xanh; 287 huyện vàng; 2.790 xã vàng.
Toàn quốc không có tỉnh thành ở cấp 3 (vùng cam, nguy cơ cao) và cấp 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn có 14 huyện, 98 phường/xã thuộc vùng cam; 2 huyện (ở Quảng Nam, Thanh Hóa) và 37 phường, xã thuộc vùng đỏ.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có 2 địa phương thuộc cấp độ 1 là Hà Nội và Hải Phòng. Ba thành phố còn lại gồm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là vùng vàng, thuộc cấp độ 2.
Trước đó, ngày 13/10, Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời về chuyên môn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 (Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”), trong đó nêu rõ 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch.
Ngày 22/10, Việt Nam ghi nhận 3.985 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 50 tỉnh, thành phố
Tính từ 17 giờ ngày 21/10 đến 17 giờ ngày 22/10, Việt Nam ghi nhận 3.985 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng nhẹ so với ngày trước đó.
Trong các ca nhiễm mới có 8 ca nhập cảnh và 3.977 ca ghi nhận trong nước (tăng 359 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 1.782 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 881.522 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.951 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 876.788 ca, trong đó có 800.509 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 22/10, cả nước ghi nhận 56 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (33), Bình Dương (7), An Giang (7), Long An (3), Kiên Giang (2), Đồng Nai (1), Bình Thuận (1), Bình Phước (1), Sóc Trăng (1).
Doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều lao động khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng hai phương án cung ứng lao động qua đào tạo, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19.
Để khôi phục lại thị trường lao động hậu COVID-19, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, cho biết: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án bổ sung lực lượng lao động. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500.000 học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp.
Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.
Ông Vũ Xuân Hùng cho rằng, hai phương án trên có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 đang cần người lao động, cũng như đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
ngay sau khi chấm dứt giãn cách, ngành LĐTBXH TP Hồ Chí Minh thống kê, có trên 60% doanh nghiệp bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 lao động, đa dạng Thông tin về tình hình lao động, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh cho biếtcác ngành nghề. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có nhu cầu tuyển dụng lớn để đáp ứng nguồn sản lượng cho 3 tháng cuối năm 2021.
Phát hiện 8 ca mắc trong cộng đồng, Kon Tum cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Ngay khi phát hiện 8 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vào chiều 21/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có Công văn số 3802/UBND-KGVX về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Đăk Tô và thành phố Kon Tum phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khoanh vùng dịch tễ diện rộng tại khu vực dân cư có ca mắc, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm diện rộng, các địa phương khẩn trương xem xét quyết định, thực hiện thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 và áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng phù hợp để phòng, chống dịch.
Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền các địa phương huy động nguồn lực, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng cho khu vực dân cư được khoanh vùng dịch tễ; đánh giá tình hình dịch bệnh tại cộng đồng, tổ chức thần tốc truy vết, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không bỏ sót các đối tượng tiếp xúc. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xem xét tình hình thực tế để chuẩn bị các điều kiện, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Bệnh viện Dã chiến Quân - Dân y tại Trường Cao đẳng cộng đồng cơ sở 4 (tổ 4, Phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum).
Nam Định mở rộng vùng phong tỏa khi ghi nhận thêm 17 ca mắc mới
Ngày 22/10, Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, ổ dịch tại huyện Ý Yên ghi nhận thêm 17 ca mắc COVID-19 mới; trong đó tại "tâm dịch" thôn Đằng Động, xã Yên Hồng 15 ca, hai ca còn lại ở tổ 7, thị trấn Lâm và thôn Nội Hoàng, xã Yên Minh.
Như vậy, tính từ ngày 17 - 22/10, huyện Ý Yên đã ghi nhận 51 ca mắc COVID-19. Chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đang triển khai các biện pháp cấp bách để kiểm soát, ngăn nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tiếp tục tăng, UBND huyện Ý Yên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ Tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, thị trấn Lâm, với trên 2.420 hộ dân, hơn 8.890 nhân khẩu từ 18 giờ ngày 22/10.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ý Yên yêu cầu, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố tập trung phòng, chống dịch theo tinh thần "Chống dịch như chống giặc" ở mức độ cao nhất, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngành Y tế huyện xây dựng phương án, triển khai tiêm 30.650 liều vaccine phòng COVID-19 cho 6 xã, thị trấn: Yên Tiến, Yên Phong, Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, thị trấn Lâm xong trước ngày 24/10. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng kế hoạch dạy, học trực tuyến cho học sinh tại các xã, thị trấn đang có dịch, lên phương án, chương trình dạy trong điều kiện dự báo dịch có thể diễn biến phức tạp trong thời gian dài.