Tổng hợp COVID-19 từ 20-26/12: Hà Nội nhiều vùng chuyển màu cam; Thủ tướng yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người dịp Tết
Trong tuần từ 20-16/12, cả nước có trên 15.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày và Hà Nội có số ca mắc mới tăng mạnh, dẫn đầu cả nước. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục gia tăng, Thủ tướng yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Mỗi ngày, Việt Nam có trên 15.000 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Hà Nội luôn có số ca dẫn đầu cả nước và tăng mỗi ngày
Theo đó, ngày 21/12, Việt Nam ghi nhận 16.325 ca mắc mới COVID-19; ngày 22/12 ghi nhận 16.555 ca; ngày 23/12 ghi nhận 16.377 ca; ngày 24/12 ghi nhận 16.157 ca; ngày 25/12 ghi nhận 15.586 ca và ngày 26/12 ghi nhận 15.218 ca.
Trong đó, Hà Nội luôn đứng đầu số ca mắc với ngày 21/12 là 1.704 ca; ngày 22/12 là 1.646 ca; ngày 23/12 là 1.774 ca; ngày 24/12 là 1.834 ca; ngày 25/12 là 1.879 ca và ngày 26/12 là 1.910 ca.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.865 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.651.673 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.749 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.646.033 ca, trong đó có 1.245.423 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (500.057), Bình Dương (290.163), Đồng Nai (96.827), Tây Ninh (70.594), Long An (40.083).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 235 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.214 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 8 quận Hà Nội dừng bán hàng ăn uống tại chỗ
Hiện Hà Nội đã có 8 quận cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng trong cộng đồng, tiếp sau quận Đống Đa và Hai Bà Trưng, từ 12 giờ ngày 26/12, UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống COVID-19 Hà Nội có thêm 6 quận chuyển từ "vàng" sang "cam" gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Cùng với hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng được đánh giá cấp độ 3 từ trước đó, 8/12 quận của thủ đô đã ở mức nguy cơ cao về dịch.
Thủ tướng yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thông báo nêu rõ: Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế (theo Quyết định 4800/QĐ-BYT) cơ bản phù hợp, sát tình hình và đang được thực hiện có hiệu quả. Tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, giao lưu đi lại của người dân tăng; còn tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh. Nhiều người dân có tâm lý chủ quan, chấp hành chưa nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng. Một bộ phận người dân chưa tiêm vaccine.
Số ca tử vong chủ yếu ở những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine. Việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được triển khai kịp thời ở một số nơi, dẫn tới bị động, lúng túng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số địa phương thiếu chủ động nguồn nhân lực, dựa nhiều vào lực lượng hỗ trợ của trung ương và địa phương khác.
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, chưa có đánh giá chính thức về độc lực và khả năng kháng vaccine của biến chủng này, đồng thời không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, rút kinh nghiệm, cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Văn bản nêu rõ: Để ngăn chặn ca lây nhiễm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao; đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022; chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế
Ngày 24/12, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).
Đối tượng áp dụng của hướng dẫn này là những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; Người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ (Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, kinh doanh, thương mại, nghiên cứu thị trường cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng quốc gia); Những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc tại Việt Nam.
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ: người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.
Trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.
Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Bộ Y tế lưu ý việc lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc, đi thực địa. Nơi lưu trú (khách sạn, nơi lưu trú do doanh nghiệp thu xếp, cơ sở lưu trú khác) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bố trí riêng khu vực lưu trú cho người nhập cảnh ngắn ngày. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng. Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ được miễn chi trả (trừ chi phí lưu trú tại khách sạn theo nguyện vọng).
Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp sau thời gian làm việc ngắn ngày mà người nhập cảnh tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc phải thực hiện các quy định hiện hành về nhập, xuất cảnh và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế yêu cầu triển khai mọi biện pháp giảm tử vong do COVID-19
Bộ Y tế vừa có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.
Theo Bộ Y tế, hiện nay số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh, thành phố gia tăng, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến chủng mới siêu lây nhiễm, có thể gây tác động rất lớn đến hệ thống y tế.
Để công tác điều trị COVID-19 tốt hơn, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các địa phương thực hiện các nội dung sau:
Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Đồng thời, tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực; huy động các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân tham gia điều trị COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép: Vừa triển khai khám chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực COVID-19.
Rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương.
Thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” theo quy định ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị. Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp: Rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.
Đồng thời, các cơ sở cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị; tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng; quan tâm cung cấp dinh dưỡng, nước uống... đầy đủ cho người bệnh.
20 bệnh nền làm người mắc COVID-19 gia tăng mức độ nặng
Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19.
Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới với các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta (B.1.617), Omicron (B.1.1.529).
Trong đó, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.
Theo Bộ Y tế, có 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19, đó là: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Hen phế quản; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống; Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh - mắc phải.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn nhóm nguy cơ khác là người trên 50 tuổi; phụ nữ có thai.
Tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2
Ngày 23/12 Văn phòng Chính phủ đã phát đi hỏa tốc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2.
Công điện gửi đồng chí Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, tại nhiều địa phương số ca mắc mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đang diễn biến rất khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19. Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ tiêm vaccine tại địa phương khi đã được cung cấp vaccine đầy đủ.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đủ vaccine và phân bổ kịp thời cho các địa phương, hướng dẫn các địa phương tiệm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chống mọi biểu hiện tiêu cực.