Tổng hợp những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục 2019
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 9/7/2025.
.t1 { text-align: justify; }
Xin được tổng hợp những điểm mới của Dự thảo này được dư luận quan tâm so với luật Giáo dục 2019, ngoài những nội dung đã được đề cập trong bài viết “Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục: Đề xuất bỏ cấp bằng THCS, xóa sổ hệ trung cấp”

Ảnh minh họa
Thứ nhất, sửa đổi quy định về phổ cập giáo dục
Tại khoản 4 Dự thảo dự kiến Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau: “Điều 14. Phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc
1. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 03 đến 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
(So với Luật Giáo dục 2019 bổ sung việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 03 đến 05 tuổi).
2. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
3. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
4. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
(So với Luật Giáo dục 2019, dự thảo đã bỏ cụm từ “tạo điều kiện”, có nghĩa là gia đình có trách nhiệm để thực hiện được chính sách phổ cập. Cụ thể khoản 4 Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định “4. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.”)
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”
Thứ hai, chú trọng công nghệ và chuyển đối số
Tại khoản 5. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau: “Điều 19. Hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
1. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.
2. Cơ sở giáo dục tự triển khai hoặc phối hợp với tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
3. Nhà nước tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng cơ sở giáo dục thành trung tâm văn hóa, khoa học và công nghệ của địa phương hoặc của cả nước.
4. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục. Các chủ trương, chính sách về giáo dục phải được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng quốc tế.
5. Nhà nước thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có kiểm soát (dữ liệu có kiểm soát) trong quản trị, quản lý và đào tạo trong giáo dục; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục, đồng bộ, thống nhất kết nối dữ liệu từ các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý giáo dục, kết nối dữ liệu giữa ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
6. Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo là tập hợp các dữ liệu về cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học và các dữ liệu hành chính được hình thành trong quá trình tổ chức và hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo có giá trị pháp lý như văn bản giấy khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác thực điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ và phần mềm phục vụ phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin. Việc kết nối liên thông phải bảo đảm hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
8. Chính phủ quy định chi tiết khoản 6, khoản 7 Điều này”
Có thể thấy, hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đặc biệt quan tâm, dự kiến rõ ràng, cụ thể.
Thứ ba, dự kiến sửa đổi một số quy định về xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông
Tại khoản 8 Dự thảo dự kiến Sửa đổi, bổ sung Điều 34 như sau: “Điều 34. Xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông
1. Học sinh học hết chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở. (Bổ sung học sinh học hết trung học cơ sở được hiệu trưởng cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình, so với Luật Giáo dục 2019, học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở).
2. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”. (Bổ sung dự kiến hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông – hiện nay là Sở Giáo dục và Đào tạo cấp)
Thứ tư, dự kiến thay đổi về đánh giá kết quả học tập
Tại khoản 11 Dự thảo Luật Giáo dục dự kiến Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 45 như sau: “2. Học viên học hết chương trình giáo dục trung học cơ sở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở xác nhận việc hoàn thành chương trình trung học cơ sở”. (Luật Giáo dục 2019 quy định học xong chương trình trung học cơ sở được Phòng giáo dục cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở).
3. Học viên học hết chương trình trung học phổ thông quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ sở thực hiện chương trình giáo dục trung học phổ thông cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật này cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”. (Luật Giáo dục 2019 quy định nếu học sinh thi đạt tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông).
Thứ năm, bổ sung Ủy ban nhân dân xã quyết định đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở
Tại khoản 13 Dự thảo dự kiến Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm d khoản 1 Điều 52 như sau:
“a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp cao nhất là trung học phổ thông, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này”.
“d) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường dự bị đại học, trường cao đẳng và trường trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đề nghị”.
Thứ sáu, học sinh mầm non, phổ thông được miễn học phí
Tại khoản 23 Dự thảo dự kiến Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 99 như sau: “3. Trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập được miễn học phí. Trẻ em, học sinh phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”
(Luật Giáo dục 2019 chỉ quy định các đối tượng miễn học phí gồm: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định).
Thứ bảy, dự kiến bãi bỏ các điều khoản sau
Tại khoản 37 Dự thảo dự kiến Bãi bỏ khoản 3 Điều 10, Điều 18, khoản 2 Điều 28, khoản 5 Điều 44, Điều 49, Điều 50, Điều 51; điểm b, điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 52; Điều 68, khoản 3 Điều 105, Điều 113, Điều 115.
Cụ thể, bãi bỏ các nội dung sau:
Khoản 3 Điều 10: “3. Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.’
Điều 18. Vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục
Khoản 2 Điều 28: “2. Trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;
b) Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”
Khoản 5 Điều 44: “5. Việc liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học.’.
Điều 49. Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục
Điều 50. Đình chỉ hoạt động giáo dục
Điều 51. Sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường
Điểm b, điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 52:
“b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản này;
c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định đối với trường trung cấp trực thuộc;
đ) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định đối với trường cao đẳng, trừ trường cao đẳng sư phạm”
Điều 68. Giáo sư, phó giáo sư
Khoản 3 Điều 105: “3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm.”
Điều 113. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 21/2017/QH14
Điều 115. Quy định chuyển tiếp.
Trên đây là một số điểm mới và những điểm dự kiến bãi bỏ, thay thế, bổ sung của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục 2019, dự kiến các quy định mới này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.