Tổng kết 1 năm thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Sáng 20-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các ông: Nguyễn Đắc Vinh-Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tại điểm cầu Gia Lai có sự tham gia của lãnh đạo Sở GD-ĐT và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu rõ: Chương trình GDPT 2018 kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 đã đáp ứng được mục tiêu đổi mới. Cách tiếp cận trong việc xây dựng chương trình GDPT 2018 khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Cụ thể là chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cũng theo chủ trương xã hội hóa và đạt được kết quả tích cực bước đầu. Có 5 nhà xuất bản cùng đội ngũ nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn, thẩm định 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, 3 bộ sách giáo khoa lớp 2, 3 bộ sách giáo khoa lớp 6. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý chương trình sách giáo khoa mới cũng đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ liên quan đến biên soạn sách giáo khoa; tổ chức lựa chọn, tập huấn sử dụng sách ở các địa phương; cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.
“Thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện chương trình GDPT 2018 theo Nghị quyết 51. Đặc biệt sẽ tập trung vào công việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với bộ, ngành để tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi các văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý để triển khai có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa GDPT”-Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu rõ.
Tại hội nghị, một số địa phương đã trình bày tham luận về thực trạng tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Qua đó, nêu lên những mặt được và chưa được trong thực tiễn triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT ở địa phương; đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục, tháo gỡ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nhằm phát triển con người Việt Nam, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo qua nhiều kỳ đại hội, nhất là Đại hội Đảng lần thứ VII và XIII. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề, văn bản về chủ trương nói trên. Trong đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Đây là khâu đổi mới quan trọng nhằm đổi mới GDPT, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Do đó, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện Nghị quyết số 88, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ như: Triển khai chương trình GDPT mới, biên soạn sách giáo khoa mới, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai chương trình GDPT mới.