Tổng kết 10 năm hoạt động phòng chống mù lòa
Chiều 13/12, Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa tỉnh tổ chức tổng kết 10 năm (2010-2019) hoạt động phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Khen thưởng cho các tập thể đạt thành tích tiêu biểu.
Cùng dự có lãnh đạo Hội Nhãn khoa Việt Nam; các ủy viên BCĐ phòng chống mù lòa tỉnh; đại diện lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố; đại diện các gia đình có người hiến tặng giác mạc...
Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, BCĐ phòng chống mù lòa tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan, trong đó Bệnh viện Mắt là cơ quan thường trực của BCĐ phòng chống mù lòa tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa cho nhân dân trong tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở nhãn khoa công lập (gồm Bệnh viện Mắt tỉnh; khoa Mắt (Bệnh viện đa khoa tỉnh) và khoa Mắt (Bệnh viện Quân y 5) và khoảng 10 phòng khám Mắt tư nhân. Toàn tỉnh có 24 bác sĩ nhãn khoa đang làm việc, chiếm tỷ lệ 24 bác sỹ/1 triệu dân (cao hơn tỷ lệ chung của cả nước - 21,5 Bs/1 triệu dân); có 44 y sĩ, điều dưỡng mắt; 9 kỹ thuật viên khúc xạ; 5/8 huyện có bác sĩ chuyên khoa Mắt... Ở tuyến xã có khoảng 1.400 cán bộ làm công tác mắt ở các trạm y tế xã, phường và y tế thôn bản.
Hàng năm, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc mắt được các bệnh viện quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, điều trị, tư vấn các bệnh về mắt cho nhân dân. 10 năm, có hơn 1 trăm bác sĩ, điều dưỡng tuyến tỉnh và huyện; gần 2 nghìn cán bộ y tế xã, y tế thôn bản, y tế học đường được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ.
Cùng với đó, bằng các nguồn kinh phí khác nhau (ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế, nguồn phát triển sự nghiệp y tế), các bệnh viện và các cơ sở nhãn khoa đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu, như tại Bệnh viện Mắt tỉnh đã có hệ thống trang thiết bị nhãn khoa hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh về mắt cho nhân dân.
Kết quả 10 năm hoạt động khám chữa bệnh về mắt, tại bệnh viện Mắt tỉnh đã khám cho 215 nghìn lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho trên 36 nghìn lượt người bệnh, phẫu thuật trên 28 nghìn ca các bệnh về mắt... Các bệnh viện khác như Quân y 5, Đa khoa tỉnh, đã khám cho trên 80 nghìn lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho trên 6 nghìn lượt người bệnh...
Cùng với đó, các chương trình: Kiểm soát bệnh đục thủy tinh thể; bệnh võng mạc tiểu đường; phòng chống bệnh Glocom ở cộng đồng; khám sàng lọc phát hiện tật khúc xạ; công tác phòng chống mù lòa tại cộng đồng; hoạt động hiến tặng giác mạc; công tác tuyên truyền phòng bệnh, hợp tác quốc tế... cũng được quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc mắt nói riêng đối với mỗi người dân.
Đối với tỉnh Ninh Bình, 10 năm qua, công tác phòng chống mù lòa, chăm sóc mắt đã được tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa tỉnh, ngành y tế quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, từ đó đạt được những kết quả đáng mừng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc mắt cho người dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế, Bệnh viện Mắt tỉnh, các chuyên khoa Mắt tại các Bệnh viện cần tiếp tục phát huy nguồn lực từ các nguồn phát triển sự nghiệp, nguồn xã hội hóa để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ, tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh nói chung, chăm sóc mắt nói riêng, quan tâm hơn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe, các bệnh về mắt của người dân, đối tượng người nghèo, người già, gia đình chính sách...
Cùng với đó, các bệnh viện cần năng động, thực hiện tự chủ về mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phấn đấu đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phòng chống mù lòa Quốc gia và Kế hoạch phòng chống mù lòa của tỉnh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030…
Nhân dịp này, 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống mù lòa, chăm sóc mắt được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Hội Nhãn khoa Việt Nam tặng bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân.
Đồng thời, Sở Y tế cũng tặng giấy khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích trong 10 năm thực hiện công tác phòng chống mù lòa của tỉnh.
Mỹ Hạnh- Minh Quang