Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới Đông Nam Bộ và ĐBSCL
Đến tháng 7/2019, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có 874/1.731 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 50%.
Sáng nay (14/9) tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Ủy viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Chính phủ- Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 7/2019, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có 874/1.731 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 50%. Vùng Đông Nam Bộ có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt gần 70%, trong đó có hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt gần 44%. Hai vùng có 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, Đồng Nai là tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình của hai vùng đạt 932.498 tỷ đồng cao nhất cả nước. Trong đó, ngân sách đối ứng của địa phương là 81.481 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng là 79.553 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những yếu kém, hạn chế trong thời gian qua, các đại biểu tập trung đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Xây dựng nông thôn mới hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng sản xuất quy mô lớn. Việc quy hoạch cơ sở hạ tầng thông minh có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và duy trì, tôn tạo các giá trị truyền thống góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.