Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng

Ngày 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái– Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh hội nghị

Qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 của Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Từ ba chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Ngân hàng CSXH đã có 26 chương trình tín dụng.

Tính đến ngày 30/11, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt gần 300.000 tỉ đồng, gấp 42 lần so với năm 2002; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.

Ngân hàng CSXH đã triển khai phương thức cho vay vốn ủy thác thông qua bốn tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Hiện nay, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Cả nước đã có trên 42,8 triệu hộ nghèo, đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số gần 830.000 tỉ; hỗ trợ gần 6,3 triệu gia đình thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; hỗ trợ mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác và gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất... Việc thực hiện hiệu quả vốn tín dụngCSXH đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Hội nghị đã thảo luận các nội dung về giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo từ vốn tín dụng; sự phối hợp giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức ủy thác; vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội..

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước; phương thức triển khai thông minh, sáng tạo, nhận được sự đồng tình của cả hệ thống chính trị và đạt được tất cả các mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, Ngân hàng CSXH cần tập trung chỉ đạo, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; chủ động huy động, đa dạng hóa nguồn vốn, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; tiếp tục mở rộng đối tượng được vay vốn; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với tín dụng CSXH, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, ủy nhiệm đối với tổ chức hội, đoàn thể cấp dưới, tổ tiết kiệm và vốn vay; chú trọng phát triển hệ thống công nghệ thông tin ứng yêu cầu chuyển đổi số; đồng thời, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//trong-tinh/tong-ket-20-nam-trien-khai-thuc-hien-chinh-sach-tin-dung/189915.htm