Tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước

Sáng 23-4, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) diễn ra hội nghị tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

Dự hội nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh; Thái Thanh Bình-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị, các tổ chức chính trị-xã hội cùng các văn nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến đối với nền văn học, nghệ thuật tỉnh Gia Lai trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nhận định: Đây cũng là dịp cùng nhìn lại hành trình 50 năm phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa, nghệ thuật trong việc gìn giữ nguồn cội, khơi dậy khát vọng vươn lên và tô đẹp thêm cuộc sống trong thời kỳ mới.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá: “Chặng đường 50 năm sau ngày thống nhất đất nước là quãng thời gian đầy ý nghĩa, ghi dấu bao nỗ lực, tâm huyết và sáng tạo không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, nghệ nhân tỉnh nhà. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, từ những buôn làng xa xôi đến đô thị đang phát triển, các anh chị em đã miệt mài lao động nghệ thuật, mang trái tim nhạy cảm và tài năng để khắc họa vẻ đẹp của con người và vùng đất Gia Lai.

Nhiều người đã dành cả cuộc đời, vượt qua những giới hạn về vật chất, âm thầm sáng tác những tác phẩm lay động lòng người, ghi dấu những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các văn nghệ sĩ đã trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, dùng ngòi bút, nét vẽ, giai điệu để thắp sáng ngọn lửa văn hóa Tây Nguyên, kết nối quá khứ với hiện tại, truyền cảm hứng cho các thế hệ”.

Cụ thể, tác phẩm trên các lĩnh vực: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn nghệ dân gian không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn phản ánh đời sống con người Gia Lai; đồng thời, lan tỏa tinh thần và vẻ đẹp và đưa tên tuổi Gia Lai vươn xa trên bản đồ văn học, nghệ thuật cả nước. Điều đó được thể hiện qua các con số được thống kê có thể chưa đầy đủ nhưng là những kết quả rất đáng ghi nhận, tự hào, như: 2 giải thưởng Nhà nước; 1.909 giải thưởng về văn học, nghệ thuật quốc tế, cấp ngành, khu vực; 437 giải thưởng về văn học, nghệ thuật cấp tỉnh.

 Các văn nghệ sĩ tiêu biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

Các văn nghệ sĩ tiêu biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

Song song với đó, trong 50 năm qua, lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh Gia Lai không ngừng lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng, lẫn trình độ lý luận chính trị. Từ 40 hội viên khi mới thành lập, đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai có tổng số 207 hội viên thuộc 7 chuyên ngành, với 51 đảng viên, 3 tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 71 cử nhân đại học, 9 cử nhân cao đẳng. Tỉnh vinh dự có 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 8 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú; hơn 30 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.

“Chúng ta tự hào khi Gia Lai hôm nay không chỉ giữ gìn những giá trị xưa mà còn trở thành điểm sáng trong sáng tạo nghệ thuật đương đại. Đó là sự tiếp nối nhịp cầu quá khứ-hiện tại-tương lai, khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần của nhân dân…”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Trong bối cảnh mạng xã hội, văn học, nghệ thuật Gia Lai đứng trước cả cơ hội và thách thức lớn, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thời gian đến Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch của tỉnh, kết luận và nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; đồng thời, đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác văn học, nghệ thuật.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị tăng mức đầu tư cho văn học, nghệ thuật; bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn, cho hoạt động sáng tạo của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, xem đây là đầu tư cho phát triển. Tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng và phát triển lực lượng văn nghệ sĩ, nghệ nhân Gia Lai cả về số lượng và chất lượng; có cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng những văn nghệ sĩ có năng lực, nhất là các tài năng trẻ, nữ và dân tộc thiểu số. Cùng với đó đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy mạnh mẽ bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc.

Theo chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các cấp ủy, đơn vị, địa phương cần thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến góp ý của đội ngũ văn nghệ sĩ về những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển tỉnh nhà nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng. Khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ hướng đến sáng tạo các tác phẩm lớn, có chiều sâu tư tưởng-nghệ thuật, đặc biệt là về đề tài lịch sử cách mạng, công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới, chủ quyền biên giới quốc gia và hình ảnh con người Gia Lai trong thời kỳ mới.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao tặng bằng khen cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu. Ảnh: Quốc Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao tặng bằng khen cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu. Ảnh: Quốc Nguyễn

Tại hội nghị, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân đã chia sẻ niềm tự hào khi được đồng hành cùng chặng đường 50 năm xây dựng, trưởng thành của nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước. Các đại biểu, lãnh đạo sở ngành cũng trao đổi những tâm tư, nguyện vọng và một số đề xuất để văn học nghệ thuật có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Dịp này, có 71 văn nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu đã được tôn vinh và trao tặng/truy tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có nhiều cống hiến đối với nền văn học, nghệ thuật tỉnh Gia Lai trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước.

 Đại diện thân nhân các cố văn nghệ sĩ, nghệ nhân nhận bằng khen tại hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

Đại diện thân nhân các cố văn nghệ sĩ, nghệ nhân nhận bằng khen tại hội nghị. Ảnh: Quốc Nguyễn

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tong-ket-50-nam-van-hoc-nghe-thuat-gia-lai-sau-ngay-thong-nhat-dat-nuoc-post320081.html