Tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023
Sáng 10/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh năm 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối tới 63 tỉnh, thành trong cả nước. Dự chỉ đạo và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ban Nội chính Trung ương có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTNTC.
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, các Ban Đảng tỉnh; các sở, ngành, đơn vị khối nội chính – tư pháp; lãnh đạo, cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Năm 2023, ngành nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra, góp phần đẩy mạnh PCTNTC, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội và củng cố thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 7 đề án lớn, hơn 100 báo cáo, đề xuất về những chủ trương, chính sách lớn lĩnh vực nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp. Các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu ban hành 2.758 văn bản để cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, trên cơ cở các văn bản hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra cùng cấp thực hiện 216 cuộc kiểm tra, giám sát và trực tiếp triển khai 312 cuộc kiểm tra, giám sát, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực có nhiều vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực; tham mưu rà soát 7.527 kết luận thanh tra kinh tế – xã hội; ban hành 6.132 văn bản hướng dẫn, đôn đốc về nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp. Trong năm 2023, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ trì, phối hợp giúp đồng chí bí thư cấp ủy tổ chức 881 cuộc tiếp, đối thoại với 4.700 lượt công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý 54.795 đơn, thư phản ánh, khiếu nại tố cáo; phát hiện, tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý 580 vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự; 780 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 252 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tự phát hiện.
Đối với Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, năm 2023, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng trung ương; đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo, nâng lũy kế từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên 679 vụ án, vụ việc; các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng, tăng 2 lần so với năm 2022.
Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ban Nội chính Trung ương xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tham mưu chỉ đạo tốt hơn nữa công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC là “năm sau phải tốt hơn năm trước”. Trong đó tham mưu chỉ đạo khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến công ty Việt Á, công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, lĩnh vực đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận làm rõ, sâu sắc hơn những kết quả ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã đạt được; những tồn tại, hạn chế, đề xuất một số ý kiến liên quan đến chế độ làm việc, chế độ báo cáo của ban chỉ đạo cấp tỉnh; việc chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc; việc tổ chức thực hiện và mối quan hệ của ban chỉ đạo cấp tỉnh ở địa phương…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Đồng chí đề nghị: Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại đã nêu; nhất là có các giải pháp xử lý nghiêm khắc sai phạm, vi phạm xảy ra đối với cán bộ, đảng viên, quản lý lãnh đạo các cấp. Các bộ, ngành, Quốc hội quan tâm hoàn thiện hành lang, khuôn khổ pháp lý; hoàn thiện quy chế, quy trình của Đảng để góp phần thực thi hiệu quả, để cán bộ nhìn thấy rõ ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm, không dám vi phạm. Từng cơ quan, tổ chức, địa phương, cán bộ, đảng viên phải đề cao tự soi, tự sửa, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Chỉ còn 2 năm nữa kết thúc nhiệm kỳ XIII của Đảng, vì vậy, đề nghị các cấp, ngành, địa phương tăng tốc thực hiện, rà soát các chỉ tiêu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác PCTNTC, coi PCTNTC là công cụ để chấn chỉnh, chỉnh đốn cán bộ, đảng viên, lựa chọn được cán bộ, đảng viên, lãnh đạo bổ sung nguồn cán bộ cho Đảng.
Sơ kết thi đua chuyên đề ngành nội chính Đảng giai đoạn 2021 – 2023, Ban Nội chính Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc nhất gồm Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy: Tuyên Quang, Hải Phòng, Quảng Bình, TP.Hồ Chí Minh, Long An; 14 tập thể, 18 cá nhân được nhận bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Hoạt động nổi bật của một số Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh năm 2023:
– Các Ban Chỉ đạo tiến hành được nhiều cuộc kiểm tra, giám sát gồm: Quảng Ngãi (21 cuộc); Lâm Đồng (15 cuộc); Lạng Sơn (13 cuộc); Điện Biên (9 cuộc); Hải Phòng (9 cuộc); Cần Thơ (6 cuộc); Bến Tre (5 cuộc); Đắk Nông (5 cuộc);
– Một số Ban Chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo đối với các vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: Bình Thuận; Lạng Sơn, Hưng Yên;
– Các địa phương trong cả nước đã xử lý 115 trường hợp người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, điển hình như: Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Gia Lai, Quảng Ngãi, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước…