Tổng kết Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống, giai đoạn 2016 – 2020
Ngày 4.12, tại huyện Xín Mần, UBND tỉnh tổ chức các hoạt động tổng kết Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số (DTTS) cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền 11 huyện, thành phố, các trường học và nghệ nhân dân gian.
Mặc dù là một trong những tỉnh còn khó khăn nhất của cả nước, nhưng những năm qua tỉnh Hà Giang đã rất chú trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc cũng như những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Từ thực tế của địa phương, ngày 6.1.2016, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về việc đưa kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS vào giảng dạy trong các trường học. Trên cơ sở Nghị quyết 02, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông, giai đoạn 2016-2020. Sau 5 năm triển khai, với nhiều cách làm hay, hiệu quả, Đề án không chỉ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, rèn kĩ năng sống cho học sinh mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Trong cả giai đoạn, các trường học đã tổ chức trên 5.100 chuyên đề giáo dục kĩ năng sống, xây dựng và tổ chức hoạt động trên 2.400 câu lạc bộ sở thích, rèn luyện những kỹ năng phòng tránh dịch bệnh Covid-19 cho học sinh. Đồng thời, giảng dạy văn hóa truyền thống được trên 46.400 tiết học với 1.156 nghệ nhân tham gia, tổ chức được 1.660 buổi tham quan di tích lịch sử, làng nghề… Đề án hướng tới mục tiêu sau khi ra trường mỗi học sinh đều sẽ có trong mình lòng tự hào về truyền thống văn hóa, đoàn kết các dân tộc, phát triển học sinh cả về đức, trí, thể, mỹ. Giáo dục kĩ năng sống, văn hóa truyền thống các DTTS trong trường học đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều địa phương có chính sách hiệu quả, huy động các nguồn lực hỗ trợ về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục kĩ năng sống, văn hóa truyền thống…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cấp, ngành, các trường học trong triển khai Đề án, giai đoạn 2016-2020. Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Giáo dục cần thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức kĩ năng sống, văn hóa truyền thống và lịch sử địa phương; Rà soát, thống kê, phân loại đưa vào danh sách các loại hình văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể cần bảo tồn, giới thiệu cho các nhà trường giảng dạy; Xây dựng chương trình giáo dục kĩ năng sống phù hợp với đối tượng học sinh phổ thông; Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán để thực hiện, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên; Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong giáo dục kĩ năng sống, văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương; Các nhà trường quan tâm công tác phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, nghệ nhân dân gian trong truyền dạy; Tiếp tục hỗ trợ, động viên, tôn vinh nghệ nhân dân gian và tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát hiện, nhân rộng các làm hay, mô hình hiệu quả.
Tại hội nghị, có 2 tổ chức và 10 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.
Trước đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu tham dự hội nghị đã đến thăm quan các hoạt động, mô hình về giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống DTTS cho học sinh phổ thông tại Trường PT DTNT Xín Mần và Trường Tiểu học Cốc Pài.