Tổng Kiểm toán: Không lo lộ thông tin mật khi truy cập dữ liệu điện tử
Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về việc lộ mật, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc khẳng định, việc truy cập dữ liệu điện tử sẽ sẽ đảm bảo bí mật
Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Liên quan đến quyền truy cập dữ liệu điện tử, có ý kiến tán thành nhưng đề nghị quy định chặt chẽ để bảo đảm bí mật của đơn vị được kiểm toán.
Có ý kiến đề nghị không giao quyền truy cập cho KTNN vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0.
Mặc dù vậy, do có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước…nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, quy định chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Theo đại biểu (ĐB) Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), quy định này là cần thiết, nhưng trong quá trình truy cập, kiểm toán viên phải tuân thủ bảo mật và chịu trách nhiệm về bảo mật thông tin. Do đó, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm, phân cấp thẩm quyền truy cập phù hợp và có giám sát rõ ràng.
Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) băn khoăn, nếu Trưởng đoàn kiểm toán có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu của ngành thuế, kho bạc, liệu có ổn không? Liệu có trở thành tiền lệ, các cơ quan thanh tra cũng được quyền truy cập khi thực hiện thanh tra hay không?
Giải trình về những băn khoăn của đại biểu, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc lý giải, trong xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều sử dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, báo cáo điện tử… Chính vì vậy, KTNN buộc phải theo kịp thời đại, nên quy định này là cần thiết.
“Tôi cho rằng, không cần phải lo lắng việc ảnh hưởng đến bí mật, bởi vì khi muốn truy cập thì phải được tổ chức, cơ quan đó đồng ý, cung cấp tài khoản và phải thống nhất phạm vi, nội dung cũng như giới hạn truy cập. Mặt khác, KTNN cũng phải chịu trách nhiệm về bảo mật và thực hiện các quy định pháp luật có liên quan”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.