TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NGÔ VĂN TUẤN TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Ngày 5/6, Quốc hội chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn các nội dung: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
TIẾP TỤC CẬP NHẬT,...
Trả lời chất vấn phải có trọng tâm, trọng điểm, có minh chứng, lý lẽ, căn cứ thuyết phục
Điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kiểm toán Nhà nước nước đã có Báo cáo 11 trang, nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại Kỳ họp này, đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề sau:
Thứ nhất, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm.
Thứ hai, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
Thứ ba, giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Trong phiên chất vấn, khi cần thiết, Chủ tịch Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Rút kinh nghiệm qua một ngày chất vấn và để Phiên chất vấn còn lại đạt kết quả tốt hơn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị:
Thứ nhất, các đại biểu chất vấn chỉ nêu những vấn đề, nội dung trong phạm vi, lĩnh vực chất vấn của Kỳ họp này;
Thứ hai, nội dung chất vấn đại biểu trước đã trao đổi thì đại biểu sau không nên hỏi lại;
Thứ ba, người trả lời chất vấn không nên trả lời chung chung mà phải có trọng tâm, trọng điểm, có minh chứng, lý lẽ, căn cứ thuyết phục từng vấn đề cụ thể, nhất là nhận định, đánh giá, quan điểm, giải pháp, lộ trình, thời gian khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.
Vai trò của Kiểm toán đã được khẳng định
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ngành, trải qua hơn một phần tư thế kỷ với tư cách là cơ quan được Quốc hội thành lập có chức năng đánh giá kết luận, kiến nghị tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Vai trò của Kiểm toán trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cảm ơn Quốc hội đã cho phép, tạo điều kiện để Kiểm toán Nhà nước được trình bày trước Quốc hội, trước cử tri cả nước về hoạt động của ngành với tư cách là một lĩnh vực đặc thù, chuyên môn sâu.
Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, phục vụ tốt cho Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời phục vụ cho Quốc hội trong công tác điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định được tầm quan trọng thông qua việc kiểm toán, phát hiện kịp thời những sai phạm, từ đó có kiến nghị tăng thu giảm chi, góp phần giảm thất thoát tài chính công, tài sản công, đồng thời đưa ra những kiến nghị điều chỉnh kịp thời với chính sách, pháp luật, chống thất thoát, lãng phí
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước không tránh khỏi có những tồn tại, hạn chế, Tổng Kiểm toán Nhà nước mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Vì sao đã kiểm toán nhưng sau đó vẫn phát hiện sai phạm đấu thầu?
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan.
Đối với những sai sót trong đấu thầu thời gian qua, Tổng Kiểm toán khẳng định các đơn vị không có vốn nhà nước, nên không phải là đơn vị được kiểm toán.
Những đơn vị này chỉ liên quan đến tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu, do vậy hoạt động của đơn vị kiểm toán chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án.
Trong quá trình kiểm toán đều thực hiện cả 3 nội dung: đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trung thực; đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng và xác nhận tính hiệu quả tài chính công, tài sản công…
Trong quá trình kiểm toán đã chỉ ra các sai sót và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm toán
Đối với chất vấn đại biểu về việc thực hiện kết luận kiểm toán, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm.
Đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của Kiểm toán cao hơn.
Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu các giải pháp kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận của Kiểm toán.
Về câu hỏi của đại biểu về việc thực hiện phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, đây là nhiệm vụ được quan tâm.
Trong đó, quan tâm giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời rà soát, thể chế hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật mới.
Riêng năm 2022 đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ tưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra kiểm toán nhà; xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực…
Chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra; cung cấp 1609 hồ sơ cho cơ quan thanh tra, kiểm tra
Trả lời chất vấn của đại biểu về số vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm qua (từ 2019-2023), Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra.
Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.
Thế nhưng, không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Kiểm toán hạn chế đi vì trong một trong những nhiệm vụ mà Tổng Kiểm toán Nhà nước hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.
Pháp luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra
Về trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán nếu như mà các đơn vị được kiểm toán không bị phát hiện ra sai phạm cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện ra các sai phạm, thất thoát, tham nhũng tài sản của Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.
Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm thì tại Điều 68 đã quy định rất là cụ thể.
Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà sát phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm.
Nếu có lỗi thì phải xử là tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất là rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm thì theo quy định của Luật thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể...
Người đứng đầu quan tâm, tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán sẽ đạt như mong muốn
Về nguyên nhân của tình trạng kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết có 4 nhóm nguyên nhân: có nguyên nhân từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán; bên thứ ba; bên kiểm toán và một số nguyên nhân khác.
Theo Nghị quyết 74 của Quốc hội, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân về vướng mắc cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện.
Theo đó ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu còn yếu, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế.
Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Đồng thời tăng cường việc đôn đốc công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán nhà nước.
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan. Riêng đối với các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu.
"Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu có quan tâm, có quyết tâm thì ở đó tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán đạt như mong muốn", đồng chí Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Kiểm toán Nhà nước kiên quyết loại bỏ những "con sâu" để giữ đạo đức, chuẩn mực
Liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Kiểm toán nhà nước kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức chuẩn mực.
Trong Điều 8 của Luật Kiểm toán cũng đã ghi rất rõ những hành vi không được làm, bị nghiêm cấm đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước. Trong hoạt động của mình, kiểm toán có những chuẩn mực về công vụ.
Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.
Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định, cơ chế hiện tại về quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán cũng đã tương đối đầy đủ để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngành, tuy nhiên trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ.
Nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với hệ thống kiểm toán, chúng ta có 02 hệ thống kiểm toán.
Thứ nhất, Kiểm toán nhà nước là cơ quan kiểm toán độc lập, do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật.
Kiểm toán nhà nước với nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với những đơn vị có tài sản, có tiền của nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt; việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư.
Nhánh thứ hai là hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo luật kiêm toán độc lập. Tức là cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp.
Tổ chức cung cấp này gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh nghiệp kiểm toán độc lập; các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam.
Những đối tượng này sẽ thực hiện hợp đồng kiểm toán để thực hiện dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán dự án đầu tư hoặc kiểm toán một công việc mà do doanh nghiệp thuê.
Kiểm toán độc lập sẽ phối hợp với Kiểm toán nhà nước thông qua vấn đề hợp đồng, trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.
Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước về quản lý chất lượng kiểm toán; Bộ không trực tiếp thực hiện kiểm toán.
Theo đó, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, ban hành chiến lược, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán. Đến năm 2024, Bộ đã đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 đến 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Như vây, Bộ đã tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra đúng theo quy định của pháp luật.
Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật
Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần đảm bảo kỷ luật kỷ cương tài chính Nhà nước; quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công; giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Chất vấn của các đại biểu Quốc hội rất cụ thể, bám sát nội dung chất vấn.
Tổng kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn rõ ý, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Đã có 35 đại biểu đăng ký và đã được phát biểu chất vấn, trong đó có 01 ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị và có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Còn có kiểm toán viên vi phạm quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Còn một số trường hợp chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có những giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất, đề nghị Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Kiểm toán nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi công vụ…
Thứ hai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn với các nhóm vấn đề sau:
+ Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm;
+ Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
+ Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn.
Tăng cường chất lượng công tác kiểm toán
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Hà Nội: Đây là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước - một trong 4 nhóm lĩnh vực được lựa chọn để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội.
Điều này thể hiện sự đổi mới trong việc nâng cao trách nhiệm của những cơ quan, không chỉ là các cơ quan thực thi pháp luật mà kể cả những cơ quan kiểm soát quá trình các đơn vị thực thi pháp luật.
Đồng thời, cho thấy tư duy không ngừng đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì Nhân dân, làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
“Khi Tổng Kiểm toán Nhà nước đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ đưa ra được những vấn đề để tăng cường chất lượng công tác kiểm toán, đặc biệt không chỉ với kiểm toán của Nhà nước mà còn phát huy vai trò của các kiểm toán độc lập.
Thậm chí, kiểm toán nhà nước có thể trưng dụng lực lượng kiểm toán độc lập để thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán cho các khu vực công.
Như vậy, sẽ giải quyết được yêu cầu tất cả hoạt động về sử dụng tài sản công đều phải thực hiện kiểm toán hàng năm”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV