Tổng kiểm toán Nhà nước: Thuận An, Phúc Sơn không thuộc đối tượng được kiểm toán

Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước nên không thuộc đối tượng và đơn vị được kiểm toán.

Sáng 5.6, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Có sự câu kết của doanh nghiệp với cán bộ

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu rõ, nhiều vụ án tham nhũng cho thấy có sự câu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của nhà nước. Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà Nước nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản và dự án đầu tư công.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ có kiến nghị như nào để Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho hay hiện nay, mặc dù một số kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đúng pháp luật nhưng thực tế không thể thực hiện được do đối tượng kiểm toán không còn khả năng thực hiện hoặc do vướng mắc chính sách, pháp luật.

Theo đại biểu Sơn, vướng mắc khi xác định trọng yếu, đánh giá rủi ro, yếu tố ngoại trừ khi đưa ra ý kiến kiểm toán trong báo cáo kiểm toán là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng báo cáo không cao.

Do đó, ông Sơn đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, trong tổng số 1.069 văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại 1.345 báo cáo kiểm toán có tỷ lệ thực hiện được bao nhiêu? Trong 663 báo cáo kiểm toán đã có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tỷ lệ đã được xử lý như thế nào? Bao nhiêu kết luận, kiến nghị không thể thực hiện do vướng mắc chính sách pháp luật? Các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bất cập trên?

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một trong những nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán là do bên thứ ba. Do đó, đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước làm rõ bên thứ ba là bên nào, là chủ thể nào?

Để giải quyết việc chưa thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đại biểu Thông đề nghị cho biết trách nhiệm của đơn vị kiểm toán cũng như giải pháp của Kiểm toán nhà nước về vấn đề này?

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết báo cáo số 599 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy số tiền kiến nghị chưa thu được nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ còn cao (59%), kết quả này cho thấy việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)

Đại biểu Thúy đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết lý do vì sao? Trách nhiệm và giải pháp khắc phục của ngành cũng như kiến nghị Tổng Kiểm toán để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của kiểm toán trong thời gian tới.

Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An không thuộc đối tượng kiểm toán

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng kiểm toán Nhà nước, cho biết trong 5 năm qua (từ 2019-2023), Tổng kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra.

Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.

“Thế nhưng, không có nghĩa là vai trò về phòng chống tham nhũng của cơ quan kiểm toán hạn chế đi vì trong một trong những nhiệm vụ mà Tổng kiểm toán Nhà nước hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, trong 5 năm qua, cơ quan kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Đối với chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Tổng kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, vẫn còn hơn 67.000 tỉ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện, trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%.

Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan.

Theo ông Tuấn, Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn nhà nước nên không thuộc đối tượng và đơn vị được kiểm toán nhưng có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán gây hiệu quả nghiêm trọng và điều này không liên quan gì đến hoạt động của kiểm toán. Tập đoàn Phúc Sơn có vi phạm về đấu thầu. Hoạt động của kiểm toán với các dự án đánh giá trên cơ sở hồ sơ tài liệu đơn vị được kiểm toán chúng tôi rà soát lại quy trình thực hiện pháp luật và đưa ra các kiến nghị.

Trong quá trình kiểm toán đều thực hiện cả 3 nội dung: đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trung thực; đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng và xác nhận tính hiệu quả tài chính công, tài sản công… Trong quá trình kiểm toán đã chỉ ra các sai sót và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tong-kiem-toan-nha-nuoc-thuan-an-phuc-son-khong-thuoc-doi-tuong-duoc-kiem-toan-218018.html