Tổng kiểm tra các vị trí giao giữa đường sắt và đường bộ tại Đồng Nai

Sau vụ tai nạn đường sắt rất nghiêm trọng, khiến 4 người thương vong, ngày 30/7, các cơ quan liên quan tỉnh Đồng Nai phối hợp với ngành đường sắt bắt đầu tiến hành đợt tổng kiểm tra các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Qua đó, tìm biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực tế tại một điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ ở thành phố Biên Hòa sáng 30/7.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực tế tại một điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ ở thành phố Biên Hòa sáng 30/7.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai Nguyễn Bôn cho biết, sau vụ tai nạn đường sắt khiến 4 người thương vong vào tối 28/7, trong ngày 29/7, đơn vị đã mời đại diện ngành đường sắt phối hợp với địa phương, tiến hành kiểm tra các điểm giao cắt đường sắt bắc-nam với đường bộ trên toàn tuyến đường sắt dài 89km qua địa bàn Đồng Nai.

Từ sáng 30/7, Đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai phối hợp với ngành đường sắt đã kiểm tra thực tại một số điểm giao cắt giữa đường sắt với các tuyến đường bộ tại thành phố Biên Hòa.

Những ngày tiếp theo, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ tại các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất và thành phố Long Khánh.

Việc kiểm tra nhằm ghi nhận các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Qua đó, đề xuất cơ quan chức năng phương án xử lý.

Cùng với đó, đánh giá việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt của các huyện, thành phố theo các kiến nghị của ngành đường sắt; các kiến nghị của địa phương đối với ngành đường sắt.

Nút giao đường sắt và đường Phạm Văn Thuận, thành phố Biên Hòa, nơi xảy ra vụ tai nạn rất nghiêm trọng tối 28/7.

Nút giao đường sắt và đường Phạm Văn Thuận, thành phố Biên Hòa, nơi xảy ra vụ tai nạn rất nghiêm trọng tối 28/7.

Đoàn liên ngành cũng kiểm tra các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt vào khu dân cư, hộ dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, thống nhất các biện pháp giải quyết tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt; bố trí thêm các đèn, biển phản quang cảnh báo; lắp đặt các biển cấm dừng, đỗ, cấm rẽ, cấm quay đầu xe… tại một số vị trí giao cắt.

Cũng liên quan đến vụ tai nạn đường sắt làm 4 người thương vong, Phòng Thanh tra-an toàn III, Cục Đường sắt Việt Nam ghi nhận tại hiện trường vụ tai nạn, đèn, chuông tín hiệu tại đường ngang có 3 bộ đều kêu to, nghe rõ; biển cảnh báo cắm đầy đủ tại các trục đường bộ chính vào đường ngang.

Tại vị trí hẻm 1334 và đường khu dân cư thuộc khu phố 3, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa có biển báo chú ý tàu hỏa nhưng không có barrier.

Đáng chú ý, tại khu vực này, vào giữa năm 2022, Cục Đường sắt Việt Nam đã có thông báo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; trong đó, đề nghị địa phương phải tự gác phòng vệ tại 2 vị trí này vì có chiều rộng đường lớn hơn 3m đi thẳng vào đường ngang.

Hiện trường xe ô-tô va vào tàu hỏa gây ra vụ tai nạn khiến 4 người thương vong.

Hiện trường xe ô-tô va vào tàu hỏa gây ra vụ tai nạn khiến 4 người thương vong.

Sáng 30/7, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn đường sắt xác định, nguyên nhân do lái xe xe ô-tô bán tải thiếu quan sát, gây tai nạn.

Lái xe không có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy.

Hiện, Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tong-kiem-tra-cac-vi-tri-giao-giua-duong-sat-va-duong-bo-tai-dong-nai-post821772.html