Tông Lạnh phát triển thương mại dịch vụ

Những năm qua, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu đã khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Trung tâm xã Tông Lạnh sôi động phát triển thương mại, dịch vụ.

Trung tâm xã Tông Lạnh sôi động phát triển thương mại, dịch vụ.

Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, cho biết: Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiều năm qua, xã Tông Lạnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng thương mại - dịch vụ, đầu tư xây dựng chợ; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh; tạo điều kiện về thủ tục hành chính và giữ vững an ninh trật tự để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, sản xuất hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất; tăng cường tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ về các quy định trong sản xuất, kinh doanh...

Ban đầu xã chỉ có vài hộ dân kinh doanh tạp hóa nhỏ lẻ, dần dần mạng lưới dịch vụ ngày càng mở rộng và phát triển. Hiện, xã có 1 chợ trung tâm, 150 hộ tham gia kinh doanh, 7 doanh nghiệp, 6 cửa hàng, 1 hợp tác xã hoạt động buôn bán ở nhiều lĩnh vực khác nhau; là địa điểm trao đổi mua bán, trung chuyển hàng hóa trong, ngoài huyện và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhiều gia đình có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Cửa hàng điện máy Tuấn Tú đón khách đến mua hàng.

Cửa hàng điện máy Tuấn Tú đón khách đến mua hàng.

Cửa hàng điện máy Tuấn Tú có khá đông người dân đến mua sắm, anh Hà Duy Tú, chủ cửa hàng, cho biết: Hơn 10 năm nay, tôi đã đầu tư xây dựng cửa hàng điện máy chuyên kinh doanh điện tử, điện lạnh, gia dụng, nông cụ. Các mặt hàng đa dạng và chất lượng sản phẩm đảm bảo, nên được người tiêu dùng địa phương và các huyện lân cận tin tưởng mua hàng. Doanh thu trung bình đạt hơn 2 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Lựa chọn mua nồi cơm điện tại cửa hàng điện máy Tuấn Tú, anh Quàng Văn Phỏng, bản Nà Luông, xã Chiềng Pấc, chia sẻ: Hiện nay, tại xã có nhiều cửa hàng, đại lý lớn, bày bán đầy đủ các mặt hàng với giá cả hợp lý và có bảo hành đầy đủ, tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều.

Nằm ở trung tâm xã Tông Lạnh, cửa hàng bách hóa tổng hợp với đa dạng các loại mặt hàng của gia đình chị Trần Kim Thành, thôn 2, luôn tấp nập khách đến mua hàng. Chị Thành cho hay: Là những người buôn bán đầu tiên tại trung tâm xã từ năm 2000, chúng tôi không chỉ cung cấp hàng hóa cho người dân trong xã, mà còn bán buôn cho nhiều hộ kinh doanh ở các xã trong và ngoài huyện. Với sản phẩm chất lượng, bán đúng giá, nên lượng khách hàng đến đây mua sắm ngày càng tăng, trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều khách trong suốt thời gian qua. Doanh thu bình quân của gia đình đạt 600 triệu đồng/năm; hằng năm nộp ngân sách Nhà nước 40 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động.

Người dân mua sắm tại cửa hàng bách hóa tổng hợp ở trung tâm xã Tông Lạnh.

Người dân mua sắm tại cửa hàng bách hóa tổng hợp ở trung tâm xã Tông Lạnh.

Phát triển thương mại, dịch vụ đã làm thay đổi diện mạo nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Tông Lạnh không ngừng cải thiện. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt 294 tỷ đồng, trong đó, thương mại, dịch vụ đạt 220 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,8%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, thương mại chiếm gần 20% đã giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tong-lanh-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-48459