Tổng LĐLĐ Việt Nam: Kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu
Tại hội nghị nắm bắt, báo cáo tình hình lao động và các giải pháp khôi phục thị trường lao động năm 2022 tổ chức ngày 4-3, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhà máy ở nhiều địa phương đang thiếu hụt công nhân nghiêm trọng.
Nguy cơ thiếu lao động trầm trọng
Từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến nay, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, chẳng hạn Nghệ An chỉ đạt gần 76%, Bình Thuận chỉ đạt 70%. Hiện tại, ở nhiều địa phương, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì là F0, F1 khá cao.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, trong nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt lao động bất thường như hiện nay, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn có phần do giá cả hàng hóa, chi phí xăng dầu tăng cao nhưng lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng chưa điều chỉnh kịp thời. Hiện nay, mức lương tối thiểu vẫn giữ nguyên theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, áp dụng cho vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng, vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng, vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng. Nhưng do giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải chi phí cuộc sống nên một lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động.
Các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… còn thấp, lương khởi điểm chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ, nhưng yêu cầu công việc, giờ giấc quá cao, không đảm bảo đời sống công nhân, nhất là người lao động ở xa phải tốn thêm chi phí thuê trọ, xăng xe, đi lại và chi phí khác, không bù đắp được việc tái tạo sức lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống người lao động để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho lao động nhập cư. Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài.
Cùng với đó, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát tình trạng tăng giá xăng dầu, ga, điện, bất động sản... để không kéo theo sự tăng giá các dịch vụ khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân lao động. Kịp thời ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm như: xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây chung cư, nhà ở xã hội cho người lao động thời hạn trả khoảng 20 năm để người lao động yên tâm làm việc.