Tổng liên đoàn đang vô hiệu hóa chủ trương, pháp luật về tự chủ đại học?
Vì sao trong hơn 3 năm qua, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lại đi thụt lùi những bước vĩ đại so với chính thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm?
Chủ trương tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng đã được Trung ương đảng thể hiện rõ trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo "hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường" tại Mục 5, Phần III.
Quốc hội đã pháp điển hóa chủ trương này thành Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14). Về nguyên tắc, khi Luật 34/2018/QH14 đã được ban hành, các cơ quan cấp dưới không thể còn ban hành văn bản trái với nội dung của Luật cho dù Luật chưa đến ngày có hiệu lực.
Nhưng ngày 7/5/2019, trước 1 tháng 24 ngày khi Luật số 34/2018/QH14 có hiệu lực (1/7/2019), Tổng Liên đoàn ban hành Văn bản 655/TLĐ, chỉ đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng về việc chuẩn bị thực hiện Luật số 34/2018/QH14 với những chỉ đạo trái ngược cả Nghị quyết số 19-NQ/TW lẫn Luật số 34/2018/QH14.
Văn bản số 655/TLĐ ngày 7/5/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng; Ban Giám hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đồng thời gửi Ban Tổ chức trung ương để báo cáo, gửi Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp chỉ đạo.
Văn bản này nêu 3 ý kiến Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn sau khi nghe báo cáo của Trường ngày 26/4/2019 về một số nội dung chuẩn bị thực hiện Luật số 34/2018/QH14, trong đó có 2 ý kiến đáng chú ý.
Chỉ đạo Trường bám sát các quy định của Đảng, còn Tổng liên đoàn lại làm trái Nghị quyết số 19-NQ/TW?
Ý kiến thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn trong Văn bản số 655/TLĐ ngày 7/5/2019 chỉ đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng như sau:
"1. Việc sửa đổi bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động trường cần bám sát các quy định của Đảng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019) và các quy định pháp luật có liên quan; Điều lệ và các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Quá trình sửa đổi cần phải tiến hành thận trọng, đúng quy trình, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Những vấn đề lớn, quan trọng phải xin chủ trương Tổng liên đoàn trước khi đưa ra biểu quyết tại Hội đồng trường.".
Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn yêu cầu Trường Đại học Tôn Đức Thắng “những vấn đề lớn, quan trọng phải xin chủ trương Tổng Liên đoàn trước khi đưa ra biểu quyết tại Hội đồng trường” trái với chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương tại Mục 5, Nghị quyết số 19-NQ/TW rằng:
"Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường".
Nghị quyết 19-NQ/TW chỉ đạo "Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và đơn vị."
Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa? Làm thế nào để thực hiện chỉ đạo "Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường"?
Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn yêu cầu Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải bám sát các quy định của Đảng, vậy Nghị quyết số 19-NQ/TW có phải quy định của Đảng mà Tổng liên đoàn phải tuân thủ?
Luật số 34/2018/QH14 quy định hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, quyết định các vấn đề lớn và toàn diện của trường đại học mà không phải "xin chủ trương" bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Chưa kể, ngày 15/6/2015 Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã ký Quyết định số 816/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Điều 2, Mục 3 của Quy chế này quy định rõ:
“Hội đồng trường thực hiện việc quản lý Trường với tư cách là cơ quan chủ quản của Trường theo sự ủy quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Xin lưu ý, quy định trên đến nay vẫn đang còn hiệu lực, Tổng Liên đoàn đã ủy nhiệm, giao cho Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng là cơ quan chủ quản quyết định mọi việc của trường, tại sao Đoàn Chủ tịch khóa kế nhiệm ông Đặng Ngọc Tùng lại có chỉ đạo lật ngược quy định của Tổng liên đoàn do ông ký?
Nhân danh chỉ đạo "chuẩn bị thực hiện luật" để vô hiệu hóa quy định tự chủ đại học trong luật?
Ý kiến thứ hai của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn trong Văn bản số 655/TLĐ ngày 7/5/2019 chỉ đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng như sau:
"2. Về Đề án nhân sự nhiệm kỳ mới, bao gồm cả nhân sự Hội đồng trường và nhân sự Ban Giám hiệu phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về phân cấp quản lý cán bộ; tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn...
Lưu ý, thời gian giữ chức vụ của chủ tịch hội đồng trường và thời gian giữ chức vụ của hiệu trưởng tối đa không quá 2 nhiệm kỳ."
Luật số 34/2018/QH14 thể chế hóa quy định của Đảng trong Nghị quyết số 19-NQ/TW về tự chủ đại học, đã qui định chi tiết về quyền tự chủ nhân sự và công tác nhân sự, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lại yêu cầu Trường phải theo qui định của Đảng, qui định của Tổng Liên đoàn mà không nói đó là qui định nào? điều khoản nào? và nếu nó mâu thuẫn với Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14, thì Trường áp dụng theo văn bản nào?.
Ví dụ ngày 16/10/2019 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ với nhiều quy định trái Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14 và chỉ đạo Trường phải thực hiện, vậy Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ làm theo quy định của Đảng (Nghị quyết số 19-NQ/TW) và pháp luật Nhà nước (Luật số 34/2018/QH14) hay quy định trái luật, trái nghị quyết của Đảng mà Tổng liên đoàn mới ban hành?
Phải chăng đây là một cách nhập nhèm để tìm mọi cách can thiệp vào quyền tự chủ nhân sự của một trường đại học thí điểm tự chủ toàn diện, là nguyên nhân chính của những tranh luận giữa Tổng Liên đoàn và Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong tháng 5 và tháng 6/2019?
Riêng "lưu ý" của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn trong ý kiến thứ 2, "thời gian giữ chức vụ của chủ tịch hội đồng trường và thời gian giữ chức vụ của hiệu trưởng tối đa không quá 2 nhiệm kỳ" là một sự vi phạm rõ ràng Luật số 34/2018/QH14.
Cụ thể, Điều 20, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (Luật số 08/2012/QH13) quy định "nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 05 năm. Hiệu trưởng được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".
Mục 3, Phần III, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 chỉ đạo "đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập".
Trong trường đại học công lập tự chủ, giám đốc điều hành là ai, nếu không phải hiệu trưởng? Trung ương rất coi trọng hiệu quả công việc, chứ không phải tuổi tác hay nhiệm kỳ khi đưa ra chỉ đạo này.
Có thể nói đây là một chủ trương vô cùng sáng suốt, tầm nhìn xa nhưng lại rất thiết thực, cấp bách để giúp giáo dục đại học bứt phá.
Vì vậy, năm 2018 khi ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), Quốc hội đã bãi bỏ quy định "nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 05 năm. Hiệu trưởng được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".
Đồng thời, Quốc hội trao cho hội đồng trường quyết định về hiệu trưởng và nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường đại học, cụ thể:
"Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học."
Nay Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lại chỉ đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm trái quy định trên của Luật số 34/2018/QH14, phải chăng là muốn vô hiệu hóa quy định này để tiếp tục can thiệp trái luật vào vấn đề nhân sự chủ chốt của Trường?
Vì sao trong hơn 3 năm qua, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lại đi thụt lùi những bước vĩ đại so với chính thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm?
Tại sao lãnh đạo Tổng liên đoàn khẳng định thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay có sự đóng góp rất lớn của cá nhân đồng chí Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, mà lại xóa bỏ những cơ chế tự chủ đại học mà ông Đặng Ngọc Tùng đã dày công xây dựng?
Tự chủ đại học là xu thế xã hội, đòi hỏi phát triển của đất nước, của ngành giáo dục và hệ thống đại học; vì sao Tổng liên đoàn lại tìm mọi cách để quản lý tập quyền một trường đại học đã và đang tự chủ suốt từ khi thành lập đến giờ; và vẫn tiếp tục đang được thí điểm tự chủ?
Chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn trong Văn bản số 655/TLĐ ngày 7/5/2019 cùng với việc Tổng liên đoàn ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 trái Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14 đã đành, liệu đây có phải một chủ ý xuyên suốt?
Để bảo vệ các chủ trương, nghị quyết sáng suốt của Đảng về tự chủ đại học và sự nghiêm minh của luật pháp, cụ thể là Luật số 34/2018/QH14, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quan tâm, làm rõ.