Tổng Liên đoàn Lao động không đồng ý đề xuất cắt trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng như luật hiện hành.
Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Việc làm trong đó đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Về nội dung này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng như luật hiện hành.
Lý do bởi, qua tổng hợp ý kiến của các cấp công đoàn, đa số đồng tình với việc người lao động nghỉ việc đúng pháp luật được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ khi nghỉ việc, đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm.
Mặt khác, chính sách trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động nghỉ việc đúng pháp luật vừa là quyền, vừa là cơ hội để người lao động quan tâm đến công tác an sinh, phát triển việc làm.
Người lao động bị sa thải được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. Song, Công đoàn cho rằng cần xem xét hậu quả của việc người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hơn nữa, người bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới, do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động được tiếp tục tham gia vào việc làm chính thức, và hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế không ít doanh nghiệp muốn sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng, nên đã thực hiện nhiều hình thức, mánh khóe như: Đẩy chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lên mức không thể thực hiện được; ban hành nội quy trừ lương, thưởng và các khoản thu nhập khác khi không bảo đảm được KPI, vi phạm các lỗi nhỏ trong quá trình làm việc…
Từ đó, khiến người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thu nhập quá thấp, không đủ chi trả cho nhu cầu sống cơ bản hàng ngày; bị ép đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi “giấu tay”, như trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau, khiến người lao động gặp khó khăn khi tìm việc mới.
"Theo pháp luật hiện hành, các hành vi kể trên của doanh nghiệp đều không phạm luật. Trong khi đó, dự thảo Luật lại không cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian khó khăn tìm kiếm việc mới, là không bảo đảm được mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ cho người lao động thực sự khó khăn về việc làm", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lo ngại.
Vì thế, Tổng Liên đoàn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định phù hợp liên quan đến vấn đề tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động bị sa thải. Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không tiếp nhận lao động, thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất chi trả 50% số tiền đã đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào;
Tăng mức hưởng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm...