Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư NoXH có khả thi?
Dự thảo 'Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội', đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia cũng như các đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi công bố “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NoXH) cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NoXH thuê”, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia cũng như các đại biểu Quốc hội.
Không có chức năng kinh doanh
Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) không đồng tình giao Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư NoXH, nhà lưu trú công nhân. Theo ông Hòa, TLĐLĐ là tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh. NoXH cho công nhân thuê, nếu giao TLĐLĐ đầu tư sẽ phải thông qua doanh nghiệp trực thuộc. Vì vậy, nên giao UBND tỉnh, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) thực hiện.
Một chuyên gia cũng cho rằng quy định này rất khó khả thi. TLĐLĐ là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, không có chức năng kinh doanh nên dự thảo luật đưa ra quy định như vậy sẽ không phù hợp.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị giữ quy định TLĐLĐ là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của công đoàn. Theo đó, TLĐLĐ có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân, và cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể.
"Trong giai đoạn trước mắt, TLĐLĐ ưu tiên nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú. Đối với việc đầu tư xây dựng NoXH để bán, đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và đánh giá tác động kỹ hơn và có thể thực hiện trong tương lai" - ông Nghĩa nói.
Theo TLĐLĐ họ chỉ đề xuất thực hiện dự án nhà ở với tư cách cơ quan chủ quản, không trực tiếp là chủ đầu tư. Các dự án NoXH này chỉ cho thuê, không bán và dùng tài chính công đoàn làm vốn thực hiện, đầu tư. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như với nhà do nhà nước đầu tư.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đồng tình với đề xuất này, vì cho rằng sẽ bổ sung nguồn lực đầu tư dự án NoXH, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định TLĐLĐ là chủ đầu tư NoXH, nhà lưu trú công nhân nêu ra tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Do đó, sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến từ các đại biểu, lắng nghe ý kiến góp ý từ chuyên gia để dự thảo luật hoàn thiện trước khi trình Quốc hội quyết định.
Không trực tiếp làm chủ đầu tư?
Phát biểu tại các phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cho rằng TLĐLĐ không nên "ôm" nhiệm vụ là chủ đầu tư dự án NoXH. Bởi, việc này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn.
Mặt khác, với cơ chế như TLĐLĐ đề xuất (nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án NoXH để cho thuê, thu hồi vốn chậm), sẽ không đủ nguồn lực đạt mục tiêu đến năm 2030 tất cả KCN, KCX đều có thiết chế công đoàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng Khoản 4 Điều 78 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “TLĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NoXH cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NoXH thuê”, là phù hợp với vị thế của TLĐLĐ trong vai trò phối hợp với Chính phủ và các địa phương chỉ đạo phát triển NoXH, nhà lưu trú công nhân.
Tuy nhiên, TLĐLĐ không nên trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án nhà ở này. Các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh BĐS thuộc TTLĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ cấp tỉnh hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật, có thể được lựa chọn làm chủ đầu tư các dự án NoXH, nhà lưu trú công nhân trong và ngoài KCN.
Theo HoREA, TPHCM hiện có khoảng 3 triệu người nhập cư và TP phải chịu trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở. Trong 17 khu KCN, KCX của TP có khoảng 285.000 công nhân, lao động (chưa bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn nằm ngoài KCN nhưng có quy mô lớn, như Công ty Giày Pou Yuen tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân hiện có trên 50.000 công nhân, lúc cao điểm có hơn 80.000 công nhân), trong đó có khoảng 80% công nhân, người lao động nhập cư.
TP hiện có khoảng 60.470 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần rất quan trọng giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động.
HoREA kiến nghị bổ sung vào Điều 108 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở. HoREA cũng đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng ưu đãi cho các chủ nhà trọ.
Về khái niệm “Nhà trọ”, cần hiểu rộng là nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh theo quy định pháp luật, gồm các phòng trọ để cho thuê phục vụ đối tượng công nhân, người lao động, người thu nhập thấp đô thị có nhu cầu, trừ nhà trọ kinh doanh cho thuê với mục đích du lịch, khách sạn.
Hiệp hội đề nghị bổ sung “chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà trọ để cho công nhân, người lao động thuê ở”; cho phép “các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở theo quy định của Chính phủ” vào Điều 109 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách nhà nước; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực có nhà ở tại khu vực nông thôn; hỗ trợ tặng nhà ở đối với đối tượng với mức hỗ trợ quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này vẫn không có khả năng tài chính để cải thiện nhà ở…
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được tiếp tục tổng hợp các ý kiến từ các đại biểu, chuyên gia để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội quyết định.