Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đại học Tôn Đức Thắng phát ngôn 'sai sự thật'

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Ban giám hiệu Đại học Tôn Đức Thắng có những phát ngôn không đúng bản chất và sự thật về cơ quan này.

Trường Tôn Đức Thắng phát ngôn "sai sự thật"

"Những ngày qua, Ban giám hiệu Đại học Tôn Đức Thắng có những phát ngôn không đúng bản chất, không đúng sự thật về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, gây tổn hại đến uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói chiều 10/6, sau khi lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng lên tiếng phản đối cơ quan chủ quản về những chỉ đạo trước thời điểm Luật giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực.

Trước phản ánh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc trường Đại học Tôn Đức Thắng nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính để xây dựng thiết chế công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, thông tin này là "sai sự thật", bởi thiết chế được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không có một công văn nào yêu cầu trường phải nộp khoản tiền này", ông Hiểu nói.

 Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo ông Hiểu, năm 2017, đoàn kiểm tra của Tổng Liên đoàn khi kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản đã kiến nghị trường thực hiện nghĩa vụ như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, tức là trích nộp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định. Ngoài ra, văn bản góp ý của các ban Tổng Liên đoàn đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có nêu lại nội dung này.

Tuy nhiên, căn cứ Quyết định 158 của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế quản lý của Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017, Thường trực Tổng Liên đoàn quyết định không thu của trường. "Hàng năm, Tổng Liên đoàn cũng không giao dự toán phải nộp cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào", ông Hiểu nhấn mạnh.

Tổng liên đoàn hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để phát triển trường

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn cho hay, đơn vị đã hỗ trợ tiền, tài sản cho Đại học Tôn Đức Thắng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, bằng cách tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất, các khoản cấp, cho vay.

Theo ông Hiểu, nguồn tài sản này bắt đầu từ năm 1997, Liên đoàn Lao động TP.HCM gom góp những đồng tiền đầu tiên để thành lập trường là Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng. Sau đó, trường chuyển thành Đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP.HCM và đến năm 2008 thì trở thành trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM.

Qua nhiều lần thay đổi, toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập đến nay đều thuộc tổ chức công đoàn, hiện là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. "Tài sản đó là thuộc sở hữu của công đoàn Việt Nam", Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn khẳng định.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực của nhà trường để có được như ngày hôm nay, nhưng cũng phải nói đến sự lãnh đạo và chỉ đạo, đóng góp của Tổng Liên đoàn cả về công sức trí tuệ và tài chính", ông Hiểu chia sẻ.

Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng có dấu hiệu lạm quyền

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có cơ quan chủ quản.

Cụ thể, hiệu trưởng không đồng ý để Kiểm toán nhà nước kiểm toán nhà trường, khiến họ phải có công văn gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hiệu trưởng cũng không đồng ý cho đoàn kiểm tra của Tổng Liên đoàn kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã 5 lần mời Ban Giám hiệu trường ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên đến 31/5/2019, trường mới cử 2 hiệu phó ra dự họp. Hiệu trưởng nhà trường không tham dự.

 Giáo sư - Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Lao Động)

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Lao Động)

Bên cạnh đó, ông Danh còn có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường là tiến sĩ Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

"Vì lý do đi công tác nước ngoài theo đoàn của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng trường yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, nhưng hiệu trưởng vẫn chủ trì và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ trường đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ tọa cuộc họp Hội đồng trường", đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.

Vì sao đề nghị xem xét học hàm giáo sư của hiệu trưởng?

Nói về công văn số 655 ngày 7/5 gửi Hội đồng trường và Ban giám hiệu Đại học Tôn Đức Thắng về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định nội dung công văn hoàn toàn phù hợp với quy định. Cơ quan này không can thiệp, áp đặt vào công việc nội bộ của nhà trường mà tiếp tục tạo điều kiện tối đa để nhà trường tự chủ.

Về công văn 831 ngày 5/6 gửi Bộ GD&ĐT để xin ý kiến một số nội dung nhằm chuẩn bị thực hiện Luật giáo dục đại học, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét học hàm giáo sư của ông Lê Vinh Danh, vì có ý kiến công dân đề nghị xem lại tính hợp pháp của đại học khi công nhận học hàm này.

"Tổng Liên đoàn sẽ tôn trọng và bảo vệ đến cùng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nếu học hàm đó là hợp pháp" - lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương, phản đối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc trường nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Họ cho rằng cơ quan chủ quản có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của trường và trái với quy định, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định.

Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập tháng 9/1997. Trường ban đầu do Liên đoàn Lao động TP.HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tùng Lâm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-dai-hoc-ton-duc-thang-phat-ngon-sai-su-that-d479838.html