Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp thực tế
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều 19.6, nhiều ý kiến ĐBQH đánh giá, việc Tổng Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp và Luật Công đoàn.
Đề xuất đưa Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ thể đầu tư xây dựng
Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nhấn mạnh: Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.11.2011 đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu đô thị. Tuy nhiên, đã quá 3 năm so với dự kiến, mục tiêu này vẫn chưa đạt được.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, khi Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn về dự thảo Luật Nhà ở, đa số doanh nghiệp đều cho rằng, chính sách đối với nhà ở xã hội hiện nay chưa đủ đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội thực hiện không có gì khác với các dự án nhà ở thương mại, thậm chí có nội dung còn phức tạp hơn do phải thực hiện các thủ tục liên quan đến miễn, giảm, ưu đãi và lo ngại về hậu thanh tra, kiểm tra. Lợi nhuận của nhà ở xã hội chỉ khống chế ở mức 10% trong khi giá nhà ở hoặc căn hộ thương mại tại vị trí tương tự lại được bán với giá cao hơn gấp vài lần. "Do vậy, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn".
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, tại khoản 3, Điều 77 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Để bảo đảm thống nhất trong dự thảo, nhất là trong thực hiện dự án nhà ở cho người lao động, đại biểu đề nghị, coi việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư như một hình thức Nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, quy định ở Điều 37 dự thảo Luật quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải làm 2 nhóm, một là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hai là cơ quan tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Quy định như vậy chưa bao gồm chủ thể Tổng LĐLĐ vì Tổng LĐLĐ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân từ nguồn tài chính công đoàn và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nguồn này không được xác định là nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. "Do vậy, đề nghị đưa Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ thể đầu tư xây dựng được quy định vào Điều 37 để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong dự thảo", ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Ngân đề xuất.
Xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết
Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Bởi, thực tế hiện nay, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thường ở những địa phương có điều kiện kinh tế eo hep, thu nhập thấp, việc tiếp cận với nhà ở xã hội hết sức khó khăn. Công nhân thuê trọ tại các khu vực xa nơi làm việc, rải rác trong các con hẻm, ngõ cụt nên dẫn đến nhiều hệ lụy trong cuộc sống, như: đi lại; bảo đảm an ninh, trật tự khi có những tình huống bất ngờ...
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) dẫn chứng, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, đời sống công nhân ở nhiều nơi rất khó khăn, doanh nghiệp phải đóng cửa, ngưng trệ hệ thống vận hành, công nhân không có công ăn việc làm. "Nếu như có một sự cố trong tương lai như dịch Covid-19 mà các khu công nghiệp bố trí nhà ở được cho công nhân thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt là giảm ùn tắc giao thông ở những khu trung tâm và đô thị lớn", ĐBQH Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) hoàn toàn thống nhất với quan điểm để Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, điều này được quy định tại khoản 3 Điều 77 với nội dung "Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp".
Ngoài ra, một số ý kiến đánh giá Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này sẽ thể chế hóa được các chủ trương, nghị quyết của Đảng về chính sách đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và đặc biệt là giải quyết được vấn đề hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Các ĐBQH đều mong muốn có nhiều hơn cơ chế, nhiều hình thức hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động, từ việc tạo điều kiện cho công nhân, người lao động mua nhà hoặc cho thuê, mua hoặc có thể hỗ trợ cho thuê nhà với giá rẻ cũng như tùy thuộc vào tình hình của địa phương để hỗ trợ không thu tiền công nhân, người lao động.
Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định
Dưới góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Quy định về nhà ở công nhân hiện nay cơ bản giống với nhà ở xã hội bán cho các đối tượng khác như được xây dựng trên đất ở, bán cho đối tượng công nhân và gia đình ở lâu dài, có thể cấp quyền sử dụng đất, được hưởng các hỗ trợ ưu đãi, trình tự đầu tư xây dựng thủ tục mua bán cũng tương tự như nhà ở xã hội. Còn nhà lưu trú công nhân theo dự thảo luật lần này là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê, lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, việc bố trí nhà lưu trú công nhân trên đất dịch vụ khu công nghiệp giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp như thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân sẽ giảm do giảm được chi phí hạ tầng; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt; tiết kiệm thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông; đảm bảo về môi trường sinh hoạt an ninh, an toàn...