Tổng mức bán lẻ hàng hóa có tăng cao khi nhà nhà thắt hầu bao?
Số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng 2023 đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2015 trở lại đây, theo công bố từ cơ quan thống kê, đã nhiều nhà kinh doanh ngỡ ngàng. Con số trên cũng làm dấy lên sự hoài nghi khi thị trường bán lẻ đang chứng kiến hàng loạt cửa hàng nối đuôi nhau đóng cửa, mặt bằng tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất liên tục treo biển cho thuê nhưng không có khách.
Bên trong nhiều chuỗi siêu thị, các nhà kinh doanh liên tục giảm giá, khuyến mại nhằm nỗ lức “kéo” sức mua trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” vì kinh tế khó khăn, nhiều người lao động trong tình cảnh bị cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập và thậm chí mất việc…
Cửa hàng tiếp tục nối đuôi nhau đóng cửa…
Cửa hàng của ông Kiên Nguyễn trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận (TPHCM) vừa chính thức đóng then cài gắn tấm bảng sang nhượng hoặc cho thuê lại mặt bằng. Theo ông Kiên chia sẻ, hai tháng vừa qua tình hình bán hàng không cải thiện tí nào dù 3 tháng trước đó ông đã chấp nhận chịu lỗ sâu do mặt hàng thời trang ế ẩm vào quí đầu năm.
“Chỉ với quy mô nhỏ nhưng mỗi tháng cửa hàng phải chịu lỗ hơn 30 triệu đồng cho tiền thuê mặt bằng, nhân viên… khiến tôi không thể nào duy trì hoạt động được nữa”, ông Kiên chia sẻ, và cho biết hàng hóa tồn đọng giờ chuyển bán online nhưng lượng tiêu thụ rất thấp.
Không riêng cửa hàng anh Kiên Nguyễn mà theo ghi nhận của KTSG Online so với 3 tháng đầu năm, lượng cửa hàng, doanh nghiệp đóng cửa tiếp tục tăng cao khá rõ.
Nhiều khu vực trung tâm TPHCM vốn là “thiên đường” mua sắm, ẩm thực giờ trở nên vắng vẻ bởi hàng loạt thương hiệu thời trang, đồ gỗ, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống,… đóng cửa, trả mặt bằng.
Dọc các con đường trung tâm như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng (quận 1)… hay các con đường sầm uất lâu nay là Lê Văn Sĩ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi… hiện có nhiều mặt tiền dán kín bảng tìm khách với rất nhiều số điện thoại liên lạc nhưng khá lâu chưa tìm được khách.
Chỉ tính riêng đường Đồng Khởi đã có gần 20 mặt bằng bỏ trống, chờ khách thuê. Còn tuyến đường Hai Bà Trưng vốn sấm uất và hiếm hoi mặt bằng để trống thì hiện có đến gần 50 mặt bằng chằng chịt với tấm bảng quảng cáo cho thuê…
Chủ một chuỗi bán lẻ thực phẩm ở TPHCM cũng cho hay vừa trả mặt bằng tại khu dân cư hạng sang sau chưa đầy 1 năm hoạt động, chuyển qua kênh bán hàng online. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi do nguồn thu giảm nên có xu hướng thu hẹp hoặc buộc phải tìm kiếm khu vực có giá mềm hơn nhằm giảm chi phí.
Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp cung cấp gas tại TPHCM chia sẻ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chị những tháng đầu năm nay bị thua lỗ nhiều vì một mặt bị cạnh tranh về giá bán khốc liệt, mặt khác lại bị sụt giảm về lượng tiêu thụ nhiều.
Thao bà Hằng Nguyễn, Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp gas nói trên, ngay cả nhà kinh doanh những mặt hàng thiết yếu cũng bị sụt giảm nhiều. “Bằng chứng là khách hàng kinh doanh nhà hàng, quán ăn… trong những tháng qua cũng giảm lượng gas tiêu thụ khá lớn”, ba Hằng nói, và cho rằng chưa từng thấy tình hình doanh nghiệp và cả người tiêu dùng khó khăn như hiện nay.
Thậm chí trứng gia cầm như trứng gà, trứng vịt luôn được xem là thực phẩm giá thấp, đáp ứng nhu cầu của hầu hết mọi gia đình, nhưng theo các nhà cung cấp mặt hàng này kinh doanh bị sụt giảm luôn. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, doanh số hiện giảm khoảng 20%, trong đó chủ yếu giảm mạnh ở lĩnh vực bán sỉ cho các doanh nghiệp chế biến, cung cấp suất ăn công nghiệp…
Sản xuất kinh doanh gặp khó khi nhà nhà thắt hầu bao
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm, nhiều người lao động mất việc làm… dẫn đến hàng loạt các “ông lớn” trong ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã liên tục báo lỗ, thậm chí thu hẹp, đóng cửa rút khỏi thị trường.
Đơn cử, thương hiệu trung tâm thương mại Parkson ở Việt Nam đang làm thủ tục phá sản khi tập đoàn bán lẻ đến từ Malaysia cho rằng kinh doanh thua lỗ kéo dài, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 đến nay.
Tình hình kinh doanh tại các trung tâm điện máy, hàng công nghệ… cũng đang gặp nhiều thách thức để đạt mục tiêu đặt ra. Trước đó, báo cáo cho thấy doanh thu quí đầu năm của chuỗi FPT Shop giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.513 tỉ đồng. Theo đó, lãi hợp nhất sau thuế chỉ 2 tỉ đồng, giảm đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này mới đạt 8,3% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.
Trong bối cảnh thị trường hiện tại, chuỗi bán lẻ FPT Shop phải đưa ra nhiều chính sách khuyến mại, giảm giá để kích cầu cho các sản phẩm điện tử, nhất là ngành hàng Apple.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động công bố lợi nhuận sau thuế quí đầu năm giảm đến 99% so với số lãi 1.445 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 21 tỉ đồng.
Công ty này giải thích sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quí 4-2022 và tiếp tục giảm mạnh hơn so với dự báo trong quí đầu năm nay. Nhiều khách hàng có tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao.
Song song đó, khách hàng ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng để mua hàng trả góp. Đối với mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, khách hàng cũng có xu hướng tiết kiệm khi mua các sản phẩm có cùng công dụng nhưng giá thấp hơn. Thế giới Di động đã chủ động thực hiện chiến lược giá bán cạnh tranh, tăng cường giảm giá, khuyến mãi để thu hút và giữ chân khách hàng.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, ngoài nguyên nhân người dân thắt chặt chi tiêu, thì việc phải tốn chi phí khuyến mãi, các đối tác cho vay trả góp thu hẹp hoạt động đã khiến hoạt động kinh doanh kém sắc.
Đại diện các chuỗi bán lẻ hiện đại cũng cho biết xu hướng của người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu ngày càng rõ. Họ phải tăng cường khuyến mãi, đa dạng hóa sản phẩm liên tục nhưng chỉ có nhóm hàng thiết yếu mới có sự tăng trưởng nhẹ, còn các nhóm hàng khác sức mua rất thấp.
Theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, trước đây do ảnh hưởng của Covid, người tiêu dùng giảm tần suất mua hàng, nhưng số lượng mặt hàng cho mỗi lần mua tăng lên. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại khó khăn về kinh tế, nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập nên khả năng tần suất khách mua hàng sẽ giảm và số lượng mặt hàng cũng giảm trong thời gian tới.
Không chỉ các cửa hàng, hàng quán “tháo chạy”, nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở TPHCM cũng gặp khó, hiện phải ngưng hoạt động, đóng cửa hoặc rao bán hàng loạt …do lượng khách du lịch không đạt như kỳ vọng.
Ngay tuyến đường dọc UBND TPHCM, khách sạn 4 sao Norfolk ở số 117 Lê Thánh Tôn (quận 1) với hơn 100 phòng có tuổi đời khoảng 30 năm hoạt động cũng đã khép lại hành trình phục vụ khách hàng từ cuối tháng 5 vừa qua.
Đáng chú ý, các khách sạn doanh thu chủ yếu đến từ khách quốc tế lại càng khó khăn bởi du khách đến Việt Nam chưa sôi động như trước. Tại các con đường chuyên cho khách Tây lưu trú, nhiều khách sạn đã tháo biển hoặc ngưng hoạt động trong nhiều tháng qua. Trong khi đó, trên các sàn giao dịch điện tử về bất động sản, nhiều khách sạn và nhà nghỉ đang được rao bán, cho thuê lại.
Cửa hàng, chợ, siêu thị vắng khách,… sức mua giảm vẫn là tình trạng phổ biến hiện nay ở TPHCM, địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ xảy ra ở TPHCM mà còn diễn ra ở các thành phố lớn khác.
Báo cáo doanh thu bán lẻ tăng cao và ghi kỷ lục mới
Mặc dù tình hình khó khăn thể hiện rõ nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 5 vừa qua cho thấy thị trường bán lẻ rất khả quan. Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng vừa qua ước đạt 2.527,1 nghìn tỉ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây, và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 ghi nhận mức tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022 (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%), ước đạt 1.993,6 nghìn tỉ đồng.
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 1,9%. Đáng chú ý nhóm mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp, nhà kinh doanh rầu nhiều trong thời gian qua là may mặc may cũng tăng đến 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%,…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 268,3 nghìn tỉ đồng, tăng 22,1%, trong đó Đà Nẵng, tăng 40,3%; Cần Thơ, tăng 27,2%; Đồng Nai, tăng 23,6%; TPHCM tăng 23,4%; Quảng Ninh, tăng 21,8%,…
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 11,6 nghìn tỈ đồng, tăng 89,4% so với 5 tháng đầu năm 2022 do trong tháng 5 có nhiều ngày nghỉ lễ, trong đó Đà Nẵng tăng gấp 3,5 lần; Hải Phòng tăng gấp 3,2 lần; Hà Nội tăng gấp 3 lần; Bình Thuận tăng 75,2%; Khánh Hòa tăng 71,5%…
Cơ quan thống kê giải thích nguyên nhân tăng
Ngay khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng trên, nhiều nhà kinh doanh không khỏi bất ngờ, và nhiều ý kiến tỏ vẻ hoài nghi khi cho rằng số liệu tăng trưởng này là khá cao, chưa phản ánh đúng thực trạng tiêu dùng của người dân và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Ngay lập tức, Tổng cục Thống kê lên tiếng phản hồi với việc “bổ sung thêm một số thông tin” để người dùng tin có cái nhìn đầy đủ hơn về con số này.
Theo cơ quan thống kê, tốc độ tăng về quy mô theo giá hiện hành của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm nay đạt 12,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tốc độ tăng về lượng theo giá so sánh (tức trừ yếu tố về giá) chỉ đạt 8,3%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2018.
Bình quân 5 tháng đầu năm mỗi năm giai đoạn 2015-2019 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 10,6%, theo giá so sánh tăng 8,3% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ số giảm phát bình quân 5 tháng đầu năm mỗi năm đoạn 2015-2019 của chỉ tiêu này so với cùng kỳ đã tăng hơn 2,1%.
Trong khi đó, bình quân 5 tháng đầu năm mỗi năm giai đoạn 2020-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 6,4%, theo giá so sánh tăng 1,9% và chỉ số giảm phát tăng hơn 4,4% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ số giảm phát so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm của chỉ tiêu này trong 4 năm gần đây có mức tăng khá cao so với 5 năm trước đó.
Trong năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đạt 12,6% là mức tăng khá nhưng do chỉ số giảm phát tăng 3,9% nên tốc độ tăng theo giá so sánh chỉ đạt 8,3%, bằng với mức tăng của năm 2018.
Tuy đây là mức tăng tương đương với mức tăng bình quân của 5 năm trước dịch (2015-2019) nhưng trên nền tăng thấp của ba năm (2020-2022) chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về tỷ trọng đóng góp, nếu như năm 2019 (năm trước dịch) doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 76,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thì đến năm 2023 tỷ lệ này đã tăng lên 78,9% (tăng thêm 2,6 điểm %). Trong đó, tỷ trọng lương thực, thực phẩm tăng từ 24,2% trong 5 tháng đầu năm 2019 lên 27,9% năm 2023 (tăng thêm 3,7 điểm %).
Ở chiều ngược lại, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gồm lưu trú ăn uống; du lịch lữ hành và các dịch vụ khác) năm 2019 chiếm 23,7%, đến năm 2023 chỉ chiếm 21,1% (giảm 2,6 điểm %).
Trong đó, nhóm hàng dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu như: dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 1,5 điểm %, từ mức 12,1% năm 2019, xuống 10,6% năm 2023; dịch vụ khác giảm 0,8 điểm %, từ 10,8% xuống 10,0%.
“Điều này phản ánh xu hướng tăng tỷ trọng chi tiêu hàng hóa, nhất là nhóm hàng hóa thiết yếu, giảm chi tiêu dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu của người dân trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn”, theo nhận định của Tổng cục Thống kê.
Mặt khác, theo cơ quan này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước; số lượng khách du lịch nội địa cũng tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022 cũng là yếu tố đóng góp tích cực vào mức tăng 12,6% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.