Tổng rà soát, kiểm tra về PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong 2 tháng
Ngày 17/10/2022, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội đã ký và ban hành văn bản số 3417/UBND-NC về việc tổng rà soát, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố; qua đó, công tác PCCC và CNCH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tình hình cháy, nổ đã được kiềm chế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ sở chưa chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC và CNCH, dẫn đến còn nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình hoạt động của cơ sở nên đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 5/10/2022 của Văn phòng chính phủ, Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra về PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở trên phạm vi toàn quốc; UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị gồm: Công an thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và thể thao, Sở Công thương, Sở Quy hoạch- Kiến trức, Sở Xây dựng, Tổng Công ty điện lực, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã trên tinh thần, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND thành phố. Cụ thể:
Giao Công an Thành phố tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an (từ ngày 15/10/2022 đến 15/12/2022); trong đó tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như: Khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, TTTM, nhà kho, xưởng sản xuất… trên địa bàn Thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý xây dựng, văn hóa, UBND các cấp khi xem xét thẩm duyệt thiết kế về PCCC, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, giấy phép kinh doanh phải bảo đảm các cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, ANTT. Xây dựng hướng dẫn UBND cấp xã, Công an cấp xã trong việc tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đảm bảo đầy đủ, chi tiêt các nội dung.
Sở Văn hóa và thể thao căn cứ danh sách cơ sở vi phạm về PCCC, cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động về PCCC, ANTT của Công an Thành phố, chỉ đạo, hướng dẫn trong việc thu hồi chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định và thông báo về Công an Thành phố để phối hợp quản lý (nhất là việc kiểm tra, xử lý và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường theo quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ).
Cung cấp số liệu cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí (karaoke, vũ trường, quán bar…); cơ sở thể thao (sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm thể dục, thể thao…) về Công an Thành phố để phối hợp quản lý theo chức năng, thẩm quyền.
Chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng UBND Thành phố, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố có báo cáo Chính phủ về việc rà soát, bổ sung các điều kiện, trình tự, thủ tục và quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, bar, vũ trường đảm bảo chặt chẽ, thống nhất và hiệu quả.
Sở Công thương cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra đối với việc lắp đặt, sử dụng điện sau công tơ của các cơ sở, hộ gia đình; phối hợp kiểm tra, phát hiện các vi phạm trong lắp đặt, sử dụng điện để kịp thời xử lý theo quy định. Rà soát, thống kê số liệu, danh sách các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý như: Cơ sở Chợ, TTTM, siêu thị, xăng dầu, gas, hóa chất, điện, khí, vật liệu nổ công nghiệp về Công an Thành phố để phối hợp, thực hiện công tác quản lý.
Sở quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng thực hiện thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất công trình theo văn bản thẩm duyệt về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH, nhất là đối với các công trình khi thay đổi tính chất sử dụng, cải tạo nhà ở hộ gia đình thành cơ sở sản xuất, kinh doanh; xử lý, rút giấy phép xây dựng, cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép…
Chỉ đạo Công ty điện lực thành viên tại các quận, huyện, thị xã rà soát các hợp đồng cung cấp điện cho cơ sở, hộ gia đình để có biện pháp xử lý đối với các cơ sở, hộ gia đình không đảm bảo an toàn trong sử dụng điện mà có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.
Các Sở, ban, ngành khác thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức rà soát, cung cấp danh sách, số liệu cơ sở theo lĩnh vực quản lý trên địa bàn về Công an Thành phố để phối hợp quản lý,….
Đối với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải thực hiện thẩm quyền cấp phép, quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh, rút giấy phép xây dựng… theo thẩm quyền.
Chỉ đạo các Phòng ban chức năng (Văn hóa và thông tin; Lao động, thương binh và xã hội; Quản lý đô thị; Quản lý trật tự xây dựng đô thị; Kinh tế; Điện lực và UBND cấp xã) phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng Công an trong việc kiểm tra, xử lý, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi giấy phép liên quan và việc dừng hoạt động theo quy định của pháp luật, nhất là trong đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH.
Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở thuộc Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khu dân cư theo chỉ đạo của Bộ Công an và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Chịu trách nhiệm giám sát và có biện pháp quản lý để cơ sở vi phạm không hoạt động sau khi đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và cơ sở đã thu hồi giấy phép kinh doanh.
Với việc vào cuộc tích cực của các Sở, ban, ngành toàn thành phố, sẽ góp phần đánh giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với cơ sở; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về ANTT, an toàn PCCC và CNCH. Yêu cầu, bắt buộc các cơ sở đã đưa vào hoạt động phải khắc phục tất cả các tồn tại, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, duy trì liên tục các điều kiện an toàn về ANTT, an toàn PCCC và CNCH trong quá trình hoạt động. Từ đó, nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về ANTT, PCCC và CNCH; làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở và người dân trong công tác PCCC và CNCH.
Trước đó, CATP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn TP Hà Nội. Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, đại diện Công an các quận huyện thị xã phụ trách công tác PCCC&CNCH.
Qua tổng kiểm tra, rà soát, các cơ sở sẽ phân vùng “Đỏ, vàng, xanh” trong quản lý an toàn PCCC&CNCH, để từ đó nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan...
Được biết, kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày, từ 15/10/2022 đến 15/12/2022.