Tổng Thanh tra Chính phủ: 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các cơ quan xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 3.214 người, có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

Nội dung trên được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề cập tại báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

35 người liên quan tham nhũng

Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 3.455 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 267 đơn vị vi phạm; thực hiện 1.783 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 192 vụ việc vi phạm, 332 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 35,9 tỷ đồng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: quochoi.vn)

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: quochoi.vn)

Các bộ, ngành, địa phương cũng kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 3.761 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 30 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

"Để phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan đã chuyển đổi vị trí công tác với 12.074 cán bộ, công chức, viên chức; xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với 3.214 người và 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực", báo cáo nêu.

Ông Đoàn Hồng Phong thông tin, thời gian qua, phát hiện 25 vụ việc, 35 người liên quan đến tham nhũng. Trong đó, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 8 vụ, 10 người; qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 12 vụ, 20 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 5 người liên quan đến tham nhũng.

Cũng đề cập tại báo cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, ngành Thanh tra đã chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra.

Đặc biệt là các cuộc thanh tra đột xuất như thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại các địa phương cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia; thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ, thanh tra trái phiếu, thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng…

"Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật", ông Đoàn Hồng Phong nhận định.

Báo cáo dẫn số liệu, 9 tháng đầu năm 2024, ngành Thanh tra triển khai gần 5.700 cuộc thanh tra hành chính và gần 74.200 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 107.000 tỷ đồng, 296 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 71.160 tỷ đồng và 25 ha đất…

Trong đó, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi 71.155 tỷ đồng và 25 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 35.517 tỷ đồng, 271 ha đất…

Đáng chú ý, ngành Thanh tra kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.398 tập thể và 5.502 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 154 vụ, 125 đối tượng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ. Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Toàn ngành Thanh tra cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.867 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 2.308 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.

Từ đó, các cơ quan chức năng đã thu hồi 845 tỷ đồng, 18 ha đất; xử lý hành chính 1.366 tổ chức, 5.250 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 88 vụ, 115 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 26 đối tượng.

Tập trung thanh tra lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, sẽ đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra.

Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Nhất là thực hiện nghiêm Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Ngành Thanh tra cũng đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Ngành Thanh tra tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận tham nhũng, tiêu cực; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các cơ quan Thanh tra sẽ tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; tiếp tục xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-2-nguoi-bi-ky-luat-do-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-ar902137.html