Tổng thống Abbas nói hành động của Hamas không đại diện cho người Palestine
Hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine ngày 16/10 đưa tin Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cho biết các hành động và chính sách của phong trào Hồi giáo Hamas không đại diện cho người dân Palestine.
Theo WAFA, tối 15/10, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Venezuela, ông Nicolas Maduro để thảo luận về những diễn biến khó khăn ở Palestine.
Trong điện đàm, ông Abbas kêu gọi cần phải ngăn chặn ngay lập tức hành động gây hấn của Israel đối với người dân Palestine, cung cấp sự bảo vệ cho người dân Palestine, cho phép mở các hành lang nhân đạo khẩn cấp tới Dải Gaza và cung cấp vật tư y tế, nước, điện và nhiên liệu cho người dân ở Dải Gaza.
Ông Abbas một lần nữa bác bỏ hoàn toàn yêu cầu người dân Dải Gaza phải di dời của phía Israel vì “đó sẽ là thảm họa Nakba thứ hai” đối với người dân Palestine, đồng thời kêu gọi thả dân thường, tù nhân và người bị giam giữ của cả hai bên.
Tổng thống Palestine nhấn mạnh các chính sách, chương trình và quyết định của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện cho người dân Palestine với tư cách là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine chứ không phải chính sách của bất kỳ tổ chức nào khác.
Trước đó, trong gặp hôm 13/10 ở Amman, ông Abbas cũng nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng ông “phản đối việc cưỡng bức di dời” người dân Palestine khỏi Gaza, đồng thời cảnh báo rằng việc thực hiện lệnh sơ tán của Israel khỏi phía Bắc Gaza sẽ dẫn đến “một Nakba thứ hai” - ám chỉ việc Israel loại bỏ 750.000 người Palestine khỏi vùng đất của họ bằng vũ lực từ năm 1947 đến năm 1948.
"Sự kiện Nakba" (Nakba có nghĩa là "Thảm họa") bắt đầu vào ngày 15/5/1948, chỉ 1 ngày sau ngày thành lập Nhà nước Israel, khi những dòng người Palestine bắt đầu rời khỏi nhà cửa của mình ở miền Bắc đất nước. Nó cũng đánh dấu cuộc xung đột đầu tiên giữa những người Israel và cộng đồng Arab, hay còn được biết tới là Chiến tranh Arab-Israel lần thứ nhất.
Trong giai đoạn này, hơn 750.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc rời khỏi nhà của họ, bỏ lại phía sau là đống đổ nát của 530 ngôi làng và thị trấn bị lực lượng dân quân phục quốc Do Thái và quân đội Israel phá hủy. Hầu hết số người Palestine này đã phải sống như những người tị nạn tha hương ở các quốc gia láng giềng.
Sáng 7/10, Hamas phát động Chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa tấn công Israel cả trên bộ, trên không và trên biển trong một nỗ lực mà họ gọi là “trận chiến vĩ đại nhất nhằm chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng trên Trái đất”.
Để đáp trả, Israel đã triển khai Chiến dịch Những thanh kiếm sắt, đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, thành lập Nội các thời chiến và quyết định huy động 360.000 quân dự bị, từ ngày 13/10 bắt đầu kêu gọi người dân Gaza ở phía Bắc đi về phía Nam để chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực theo ba hướng: trên không, trên biển và trên bộ.
Theo phía Israel, cuộc tấn công của Hamas tới nay đã làm làm 1.900 người Israel thiệt mạng. Trong khi đó, cơ quan y tế ở Gaza ngày 15/10 cho biết, sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Dải Gaza đã hứng chịu các cuộc tấn công của Israel, dẫn đến cái chết của 2.329 người.
Như vậy, số người thiệt mạng ở Gaza trong 8 ngày qua đã vượt qua số người tử vong trong cuộc xung đột Gaza-Israel năm 2014. Dữ liệu từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho thấy khi đó xung đột đã làm ít nhất 2.251 người Palestine thiệt mạng ở Gaza trong 50 ngày chiến sự.
Xung đột Israel - Hamas cũng khiến ít nhất 430.000 người phải dời bỏ nhà cửa.