Tổng thống Belarus 'cầu viện' Trung Quốc trước sức ép từ phương Tây

Dưới áp lực ngày càng gia tăng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko vừa có những động thái 'cầu viện' Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Alexander Lukashenko, người nắm quyền Belarus từ năm 1994 và thường được gọi là "nhà độc tài cuối cùng của châu Âu", đã ký sắc lệnh vào ngày 3/12 với nội dung rằng nước này muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong các lĩnh vực như chính trị, an ninh và kinh tế - bao gồm cả Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại Thượng Hải năm 2018. Ảnh: Tân Hoa xã

Lệnh này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Belarus và EU, mà Lukashenko bị cáo buộc đứng sau vụ việc.

Nhà lãnh đạo Belarus cũng từng đối mặt với áp lực từ phương Tây về những cáo buộc ông gian lận trong cuộc bầu cử năm ngoái và cuộc đàn áp sau đó đối với những người biểu tình chống chính phủ và các chính trị gia đối lập.

Trung Quốc, nước đã ký quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Belarus vào năm 2013, đã đề nghị hỗ trợ Lukashenko. Chủ tịch Tập Cận Bình đã chúc mừng ông về cuộc bầu cử năm 2020, trong khi đầu tháng này, đại sứ Trung Quốc Xie Xiaoyong hoan nghênh kế hoạch cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng nói với người đồng cấp Belarus Vladimir Makei rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đưa quan hệ lên cấp cao hơn trong một cuộc họp mà cả hai nước đều ca ngợi “tình bạn bền chặt”.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Belarus, với kim ngạch song phương tăng 9% trong ba quý đầu năm nay lên 4,2 tỷ USD.

“Belarus hiện đang ở trong tình trạng rất tồi tệ do vấn đề người tị nạn, quan hệ của nước này với phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng,” Yang Shu, nguyên chủ nhiệm bộ môn Trung Á tại Đại học Lan Châu, cho biết. “Nước này cần một ai đó để giúp phục hồi nền kinh tế và giúp anh ta giải quyết những khó khăn ngoại giao”.

Nhưng một số nhà quan sát Trung Quốc cảnh báo rằng việc quốc gia châu Á này xích lại gần Belarus có thể gây ra các vấn đề trong mối quan hệ của nước này với các nước khác.

Feng Yujun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Đại học Phúc Đán, cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ rằng, mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Belarus sẽ khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây nghĩ rằng Bắc Kinh đang bảo vệ Belarus, điều này sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của Trung Quốc với EU và Mỹ ”.

Feng cũng cảnh báo rằng điều đó có nguy cơ làm mất lòng cả Nga, vốn có thể cảm thấy Trung Quốc đang lấn chiếm phạm vi ảnh hưởng của mình.

Hàng ngàn người di cư đang tập trung tại biên giới Belarus để tìm cách xâm nhập vào các quốc gia EU như Ba Lan. Ảnh: Reuters

Tháng trước, các nhà lãnh đạo Nga và Belarus đã nhất trí về một loạt lộ trình nhằm thắt chặt hơn nữa nền kinh tế và hệ thống giao thông giữa 2 nước, bao gồm cả việc hình thành các thị trường tài chính và năng lượng chung. Đây là một phần của kế hoạch hàng thập kỷ nhằm tạo ra một "Nhà nước Liên minh" - mà Lukashenko đã mô tả là "ưu tiên của các ưu tiên" của mình.

Nhưng Feng nói: “Nó sẽ khiến Nga nghĩ rằng Trung Quốc có chương trình nghị sự đặc biệt của riêng mình ở Belarus, điều này làm gián đoạn quá trình hội nhập của Nga với Belarus”.

“Để chống lại sức ép của phương Tây, Belarus đã chủ động xích lại gần Nga và tìm kiếm sự bảo vệ của nước này. Nhưng ở một mức độ lớn, Nhà nước Liên minh Nga-Belarus đã hạn chế nền độc lập của Belarus”.

Feng cho biết Belarus đã nhượng bộ “chưa từng có” đối với Nga, như là “cách duy nhất” để đảm bảo sự bảo vệ, nhưng nói thêm: “Lukashenko muốn sử dụng Trung Quốc để làm đối trọng với Nga. Về vấn đề này, Lukashenko đã tính toán tỉ mỉ hơn”.

Hoàng Huy (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-belarus-cau-vien-trung-quoc-truoc-suc-ep-tu-phuong-tay-post173150.html